Tôi chọn ở lại...
(BDO) Dương và Linh, hai anh em ruột từ Kiên Giang lên Bình Dương làm công nhân lao động đã hơn 3 năm nay. Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, hai anh em đóng cửa tránh dịch trong một phòng trọ ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, không dám ra ngoài. Lương thực, thực phẩm đều nhờ vào sự hỗ trợ của khu phố, chính quyền địa phương. Sau khi địa phương mở cửa trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều bạn cùng khu trọ chuẩn bị khăn gói về quê. Tâm trạng cũng rất bồn chồn nhưng sau một đêm đắn đo, suy nghĩ hai anh em đã quyết định ở lại, dù khu trọ đã vắng vẻ hơn trước rất nhiều.
Suy nghĩ của hai anh em Dương, Linh dù đơn giản nhưng lại rất thiết thực, rằng: “Ở lại để chờ được tiêm vắc xin mũi 2 vì đã được tiêm 1 mũi Vero Cell. Về quê lúc này vừa không có tiền đi chơi bạn bè vừa không biết khi nào mới được tiêm vắc xin mũi tiếp theo. Lương thực, thực phẩm thì được khu phố hỗ trợ đang còn đủ ăn hàng ngày. Công ty cũng thông báo sẽ chuẩn bị hoạt động trở lại và sẽ phát lương khi đi làm...”. Bên cạnh những người quyết định cưỡi xe máy rong ruổi về quê thì nhiều người lao động xa quê khác đã lựa chọn ở lại Bình Dương để tiếp tục vào ca sau khi dịch bệnh đã được khống chế, đẩy lùi, nhà máy đã bắt đầu mở cửa trở lại. Biết rằng, cuộc sống người công nhân ở trọ còn đó rất nhiều nỗi lo, nhưng về quê thì nỗi lo cơm, áo gạo tiền cũng không hết, thậm chí còn lớn hơn vì nhu cầu lao động không nhiều, sản xuất nông nghiệp lại bấp bênh...
Nhiều người lao động về quê khi được hỏi đều cho rằng “bất đắc dĩ mới về” và về một thời gian rồi sẽ trở lại... Đành rằng, nguyện vọng về quê là chính đáng, nhưng sau mỗi quyết định là một gánh nặng không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả gia đình, địa phương nơi cư trú. Trong dòng người tự phát đổ về quê bằng phương tiện cá nhân diễn ra những ngày qua đã xuất hiện khá nhiều F0, sau khi các địa phương tổ chức test nhanh kháng nguyên. Bên cạnh những vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông thì vấn đề an toàn sức khỏe đang là mối nguy cho những địa phương có đông lao động trở về khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là thiếu kinh nghiệm, thiếu cơ sở vật chất, nhân lực y tế lại mỏng hơn ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ... Nếu không bảo đảm, nguy cơ “vỡ trận” là có thể xảy ra, lúc đó nỗi lo lại chồng chất nỗi lo, đặt các chính quyền địa phương vào thế khó...
Mới đây lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi người lao động ở lại khi Bình Dương đã khống chế được dịch bệnh, bắt đầu nới lỏng giãn cách và từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho người lao động cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng dịch bệnh. Vì thế, không nên chạy theo “tâm lý đám đông” mà cần phải suy nghĩ giữa được, mất trước khi chọn lựa ở lại hay về quê!
K.TÂN