Tốc độ Internet tại Việt Nam thấp nhất khu vực và toàn châu Á

Thứ ba, ngày 20/01/2015

Việt Nam xếp thứ 100 trên thế giới về tốc độ kết nối Internet trung bình trong quý III/2014, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tốc độ kết nối Internet trung bình tại Việt Nam vẫn được xếp vào loại thấp nhất khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Theo kết quả nghiên cứu vừa được hãng quản lý lưu lượng Internet và giải pháp công nghệ Akamai (Mỹ) công bố về tình hình Internet toàn cầu trong 3 tháng quý III/2014 cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ kết nối Internet trung bình thuộc vào loại thấp nhất tại châu Á và khu vực Đông Nam Á.
 
Cụ thể, theo báo cáo của Akamai, tốc độ kết nối Internet trung bình trên toàn cầu đã giảm đi 12% trong quý III/2014 so với quý trước đó, nhưng vẫn nhanh hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tốc độ trung bình 2,5Mbps. 
 
So sánh tốc độ Internet trung bình tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, châu Á
So sánh tốc độ Internet trung bình tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, châu Á
 
Với tốc độ kết nối Internet trung bình này, Việt Nam xếp thứ 100 trên toàn cầu về tốc độ kết nối mạng trung bình và xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (12,2Mbps), Thái Lan (6,6Mbps), Malaysia (4,1Mbps) và Indonesia (3,7Mbps).
 
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tốc độ cao thấp nhất thế giới. Theo Akamai, chỉ khoảng 0,3% người dùng Internet tại Việt Nam đang sử dụng đường truyền tốc độ cao 10Mbps. Tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 81%, Hồng Kông là 55%, Singapore là 43%...
 
Về tốc độ kết nối của mạng di động, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ chậm nhất châu Á, với tốc độ trung bình chỉ đạt mức 1,1Mbps, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Singapore (9,1Mbps), Thái Lan (2,8Mbps), Malaysia (2,5Mbps)...
 
Cũng theo báo cáo của Akamai, tính đến hết quý III/2014 (tháng 9/2014), Việt Nam có 5.685.003 số IP riêng, với 14% lượng người dùng Internet đạt tốc độ kết nối trung bình trên 4Mbps. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chỉ có 0,3% người dùng có tốc độ kết nối Internet lớn hơn 10Mbps và chỉ 0,1% trong số đó sử dụng đường truyền tốc độ 15Mbps trở lên.
 
10 quốc gia có tốc độ kết nối Internet nhanh nhất thế giới
 
Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia có tốc độ Internet trung bình cao nhất, đạt 25,3Mbps, tăng 2,7% so với quý trước và tăng đến 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có đến 66% người dùng tại Hàn Quốc sử dụng đường truyền có tốc độ lớn hơn 15Mbps. 
 
Xếp sau Hàn Quốc trong danh sách các quốc gia có mạng Internet nhanh nhất thế giới là Hồng Kông, đạt tốc độ trung bình 16,3Mbps, tăng 3,8% so với quý trước đó và tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Nhật Bản, quốc gia thường xuyên đứng thứ 2 trong danh sách của Akamai bị đẩy xuống vị trí thứ 3, với tốc độ trung bình 15Mbps, tăng 0,8% so với quý trước đó và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Danh sách 10 quốc gia có tốc độ kết nối Internet nhanh nhất thế giới hiện nay
Danh sách 10 quốc gia có tốc độ kết nối Internet nhanh nhất thế giới hiện nay
 
Các quốc gia còn lại trong top 10 quốc gia có tốc độ Internet trung bình cao nhất gồm Thụy Sĩ (14,5 Mbps), Thụy Điển (14,1Mpbs), Hà Lan (14,0Mpbs), Ireland (13,9Mpbs), Latvia ( 13,4Mbps), Cộng hòa Séc (12,3Mbps) và Singapore (12,2Mbps). Cường quốc về công nghệ Mỹ xếp thứ 12 trong danh sách với tốc độ Internet trung bình đạt 11,5Mbps.
 
Trung Quốc tiếp tục là mối “đe dọa” Internet toàn cầu
 
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Akamai về tình hình an ninh mạng trong quý III/2014 cho thấy Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về nguồn gốc của các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) khi có đến 49% cuộc tấn công DDoS bắt nguồn từ Trung Quốc, tăng hơn so với mức 43% của quý II/2014.
 
Lưu lượng tấn công mạng từ Trung Quốc lớn hơn 9 quốc gia còn lại trong top 10 cộng lại
Lưu lượng tấn công mạng từ Trung Quốc lớn hơn 9 quốc gia còn lại trong top 10 cộng lại
 
Đáng chú ý, tổng lưu lượng tấn công từ chối dịch có nguồn gốc từ Trung Quốc thậm chí còn nhiều hơn lưu lượng của 9 quốc gia còn lại trong top 10 quốc gia tấn công từ chối dịch vụ nhiều nhất. 
 
Tấn công từ chối dịch vụ là một trong những hình thức tấn công nguy hiểm và được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay, khi hacker huy động hệ thống máy tính ma, là những máy tính bị dính mã độc và chịu sự điều khiển của hacker, hướng lưu lượng truy cập đồng loạt vào một hệ thống máy chủ, khiến máy chủ quá tải và không kịp xử lý gây sập hệ thống. Mặc dù hình thức tấn công từ chối dịch vụ không gây nguy hại về dữ liệu lưu trữ trên máy chủ nhưng hầu như không có biện pháp chống đỡ hiệu quả.

(BDO) Theo Dân trí