Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất thế giới
Theo đánh giá của Quỹ dân số Liên hiệp quốc, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Để chuyển từ dân số vàng sang dân số già, Pháp cần 115 năm, Thụy Điển mất 70 năm còn Việt Nam sẽ chỉ cần 15-20 năm.
Thông tin được ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết nhân buổi họp báo Ngày Dân số thế giới tổ chức tại Hà Nội, sáng 11-7.
Dân số vàng là giai đoạn khi có 2 người trong độ tuổi lao động mới có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc. Cơ cấu dân số già (hay già hóa dân số) được chia thành 2 giai đoạn. Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% thì gọi là dân số đang già, còn khi tỷ lệ này đạt 20% thì là giai đoạn dân số đã già.
Ảnh minh họa.
Việt Nam bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007 và hiện bước vào giai đoạn dân số đang già.
Tốc độc già hóa dân số của nước ta tăng một cách chóng mặt là do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm.
Theo ông Trọng, tuổi thọ của người Việt Nam đã đạt được mức gia tăng rất nhanh, gấp khoảng 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới. Nếu như trong 50 năm qua, tuổi thọ bình quân của người dân trên thế giới tăng 20 tuổi (từ 48 lên 68) thì tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi lên 73 tuổi.
Số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác. Năm 1999, số cụ trên 100 tuổi là 3.000 cụ thì năm 2009 đã là 7.200 cụ.
"Việc già hóa dân số nhanh đang đặt ra thách thức rất lớn bởi chúng ta già trước khi giàu. Tốc độ già hóa quá nhanh trong khi chúng ta chưa kịp chuẩn bị cho giai đoạn này. Già hóa thì sức lao động giảm, trong khi hệ thống công ăn việc làm, an sinh xã hội cho nhóm này vẫn chưa đáp ứng được. Hơn nữa, 70% người già lại sống ở khu vực nông thôn, không có lương hưu và phải phụ thuộc vào con cái', ông Trọng nói.
Cũng theo ông, tỷ số giới tình khi sinh tăng đột biến cũng đang là thách thức lớn của ngành dân số. Trong năm 2010 con số này đạt mức 111,2 bé trai trên 100 bé gái. Nếu xu hướng này không có sự cải thiện thì khoảng 2 thập niên tiếp theo sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới so với phụ nữ cùng độ tuổi.
"Không những thế, chất lượng dân số vẫn còn thấp. Các tố chất về tầm vóc, thể lực của người Việt Nam còn hạn chế đặc biệt là chiều cao, cân nặng, sức bền còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực", ông Trọng cho biết.
Ngày 31-10 năm nay sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng khi dân số toàn cầu đạt 7 tỷ người. Một chiến dịch quốc gia với tên gọi Hành động 7 tỷ người đã được Bộ Y tế và Liên hiệp quốc tại Việt Nam phát động nhằm thu hút sự chú ý vào thời khắc quan trọng này.
Trước kia phải mất nhiều thiên niên kỷ, thế giới mới tăng thêm một tỷ người nhưng nay chỉ mất hơn 10 năm. Cụ thể, từ tỷ người thứ nhất (năm 1804) đến tỷ người thứ hai, thế giới mất đến 123 năm và mất 32 năm nữa để đạt đến con số 3 tỷ. Thế nhưng từ tỷ người thứ 4 trở đi thì chỉ mất hơn 10 năm.
"Tốc độ gia tăng dân số vẫn tiếp tục, trung bình mỗi năm dân số toàn cầu thêm khoảng 78 triệu người. Đặc biệt, cứ 100 người gia tăng thì có đến 97 người ở các nước kém phát triển", ông Trọng nhấn mạnh.
Bà Mandeep Janeja, quyền trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cũng cho biết, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Chưa bao giờ có nhiều người trở nên dễ bị tổn thương với các vấn đề như mất an ninh lương thực, thiếu nước và thiên tai đến như vậy. Trong khi đó, các nước giàu và các nước có thu nhập trung bình lại đang lo lắng về tỷ lệ sinh thấp, suy giảm dân số và già hóa dân số.
Chiến dịch quốc gia sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như: nghèo và bất bình đẳng, phụ nữ và trẻ em gái, thanh niên, sức khỏe sinh sản và quyền, môi trường, già hóa dân số, đô thị hóa.
Tổng hợp