Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023

Thứ năm, ngày 16/11/2023

(BDO) Từ ngày 14-16/11, tại Trung tâm Hội nghị Moscone, San Francisco, Hoa Kỳ, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 với sự tham dự của khoảng 2.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và trường đại học trong khu vực.

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực, được tổ chức hằng năm nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo APEC. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại hội nghị:


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC.

Thưa Quý bà, Quý ông,

Tôi cảm ơn Ban tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023 đã tạo cơ hội cho tôi gặp gỡ Quý vị – những đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp năng động, nhiệt huyết và sáng tạo của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là dịp quan trọng để chúng ta chia sẻ tầm nhìn và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề lớn, cấp bách, chiến lược đối với tương lai của khu vực và thế giới. Tôi tin tưởng rằng, hội nghị này sẽ đóng góp thiết thực cho hợp tác và phát triển tại châu Á – Thái Bình Dương, cũng như thành công của cộng đồng doanh nghiệp khu vực. 

Tôi xin trao đổi 3 nội dung. Một là, những vấn đề đặt ra với kinh tế thế giới và yêu cầu phải có tư duy mới, cách làm mới. Hai là, APEC, bao gồm các doanh nghiệp trong khu vực, có thể đóng góp như thế nào để giải quyết các thách thức của kinh tế thế giới hiện nay. Ba là, quan điểm và định hướng phát triển của Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi. 

Thưa Quý vị,

I. Về những vấn đề đặt ra với kinh tế thế giới và yêu cầu phải có tư duy mới, cách làm mới

1. Lịch sử phát triển của nhân loại là quá trình liên tục khám phá, đổi mới, thích ứng, phấn đấu không mệt mỏi vì hoà bình, tiến bộ và thịnh vượng. Tại mỗi thời điểm then chốt, thế giới cần có những quyết sách mạnh mẽ, táo bạo để vượt qua khó khăn và khai mở hướng đi mới. Sau gần ba thập kỷ tăng trưởng liên tục của kinh tế toàn cầu, chúng ta lại đang phải đối mặt với liên tiếp các cuộc khủng hoảng và nguy cơ về “một thập kỷ mất mát” như Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo. 

Tôi cho rằng, kinh tế thế giới hiện nay đang có những mâu thuẫn lớn, đó là: (i) Kinh tế tăng trưởng, của cải ngày càng nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng; (ii) Sau hơn ba thập kỷ thế giới hưởng lợi từ toàn cầu hoá và hình thành nên mạng lưới quan hệ kinh tế quốc tế đan xen lợi ích, phụ thuộc lẫn nhau thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ; (iii) Khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng vượt bậc, với sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia; khoa học - công nghệ đem đến cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng tiềm ẩn hiểm hoạ khôn lường; (iv) Chúng ta theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng, thậm chí tiêu dùng quá mức nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các Mục tiêu phát triển bền vững.

2. Giải pháp nào để giải quyết căn bản những mâu thuẫn đó? 

Albert Eistein đã nói: “Thế giới như chúng ta tạo ra là kết quả của một quá trình tư duy. Con người không thể thay đổi thế giới nếu không thay đổi tư duy”. Để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả đã đề ra, chúng ta cần một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn.
Thứ nhất, phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Thước đo thành công của một nền kinh tế không chỉ là quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP mà phải tính đến phúc lợi người dân được hưởng và tác động đến môi trường cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng, khai thác tài nguyên cần được thay thế bằng mô hình kinh tế tuần hoàn, bền vững hơn. Ở phạm vi quốc gia, các chính sách phát triển kinh tế không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn nâng cao chất lượng việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động, góp phần bảo tồn môi trường sinh thái. Ở tầm khu vực và toàn cầu, hợp tác giữa các quốc gia không chỉ hướng đến cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng sạch, mà cần tạo điều kiện để các nước đang phát triển mở rộng quy mô nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển. Và cuối cùng, tại mỗi doanh nghiệp, triết lý kinh doanh mới là, gắn kết lợi nhuận của doanh nghiệp với lợi ích chung của xã hội.  

Thứ hai, duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia. Đại dịch COVID-19 và những bất ổn vừa qua làm hiện rõ sự mong manh của nền kinh tế và chuỗi cung ứng trước các cú sốc. Bảo đảm ổn định và an ninh kinh tế là nhu cầu chính đáng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, gia tăng bảo hộ, phân tách thị trường sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và đảo ngược những thành tựu đã đạt được của hội nhập kinh tế quốc tế. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để tăng cường khả năng ứng phó trước các cuộc khủng hoảng, xây dựng hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu minh bạch, bình đẳng, bảo đảm cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ. 

Thứ ba, quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế - xã hội, văn hoá, chính trị từ quá trình này. Việc định hình luật lệ, quy định, tiêu chuẩn chung phải tính đến trình độ phát triển của mỗi quốc gia, bảo đảm tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ và mọi người dân đều phải được hưởng lợi từ tiến bộ khoa học - công nghệ. Đồng thời, cần bảo đảm cân bằng giữa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển khoa học - công nghệ với bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền của mỗi quốc gia. 

Thứ tư, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Thế giới đã đi qua hơn nửa chặng đường của các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, nhưng khoảng cách giữa cam kết và thực thi còn quá xa. Với cách làm như hiện nay thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ có thể hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2065, tức là chậm hơn 35 năm so với kế hoạch ban đầu. Do vậy, yêu cầu cấp thiết là phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính công, tư, trong nước và quốc tế, cũng như đóng góp của các tổ chức và người dân. Các quốc gia phát triển cũng cần thực hiện tốt hơn cam kết đóng góp 0,7% tổng thu nhập quốc gia để hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển. 

Thưa Quý vị,

II. Về đóng góp của APEC trong giải quyết các thách thức của kinh tế thế giới

1. Cách đây ba thập kỷ, tại Đảo Blake, Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo cấp cao đã gặp mặt lần đầu tiên và xác định sứ mệnh của APEC là diễn đàn tiên phong thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, mở ra trang mới trong lịch sử hợp tác và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó đến nay, APEC đã luôn là “vườn ươm” các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thoả thuận hợp tác toàn cầu. APEC cũng đi đầu trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó thiên tai, ủng hộ mạnh mẽ cho bình đẳng giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Trong những thành công đó luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

2. Ngày nay, khi kinh tế toàn cầu đối mặt với làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ, những thách thức từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, xung đột địa chính trị, APEC chính là nơi để chúng ta cùng tìm kiếm và thử nghiệm những ý tưởng, giải pháp mới. Tôi tin tưởng rằng APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên chặng đường mới, đặc biệt trong những nội dung sau: 

Thứ nhất, khôi phục và củng cố niềm tin vào tự do thương mại và đầu tư. Lịch sử thương mại quốc tế có lúc thăng lúc trầm, nhưng thương mại đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. Vậy mà, từ năm 2019 đến nay đã có hơn 3.000 rào cản thương mại được lập ra, đang làm cho nền kinh tế thế giới thiếu vững chắc và đe doạ sụt giảm sản lượng kinh tế toàn cầu. 

Hơn bao giờ hết, APEC cần tái khẳng định cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế quốc tế, ủng hộ một nền kinh tế thế giới mở, bao trùm và bền vững. Bảo đảm lợi ích từ thương mại được phân phối rộng khắp và bình đẳng trong xã hội. Tự do thương mại và đầu tư sẽ giúp các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương nâng cao sức cạnh tranh, tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh kinh tế, đặc biệt là nâng cao sức chống chịu của các nền kinh tế thành viên và các doanh nghiệp trong khu vực trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai. APEC là diễn đàn để các nền kinh tế tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn và bảo đảm hoạt động thông suốt của các chuỗi cung ứng khu vực. Bên cạnh đó, hợp tác về an ninh lương thực, an ninh năng lượng và kết nối thương mại nhằm đa dạng hoá nguồn cung cũng sẽ góp phần củng cố an ninh kinh tế của các thành viên. 

Thứ ba, hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các xu thế phát triển mới thông qua: (i) Ứng dụng và quản lý các công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, công nghệ sinh học; thử nghiệm xây dựng các nguyên tắc, định hướng về quản lý công nghệ ở phạm vi khu vực; (ii) Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng sạch; (iii) Nâng cao năng lực xây dựng chính sách xã hội để mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, người nghèo, người yếu thế, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có thể tham gia tích cực và hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. 

Cộng đồng doanh nghiệp luôn là một phần quan trọng của tiến trình APEC, đóng góp tích cực xây dựng và thực thi chính sách cũng như thúc đẩy các ý tưởng mới, tư duy mới. Trước những thách thức to lớn mà chúng ta đang đối mặt, tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong thực hiện cam kết về phát triển bền vững, theo đuổi các mục tiêu dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội; tăng cường đầu tư vào khoa học – công nghệ, đầu tư vào con người, đầu tư xây dựng các cộng đồng bao trùm, tự cường. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có dấu ấn của mình trong xã hội, xây dựng niềm tin và giá trị của thương hiệu. 

Thưa Quý vị,

III. Về quan điểm và chính sách phát triển của Việt Nam

1. Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tất cả người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải được tiến hành ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Với quan điểm đó, Việt Nam đang triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp chính:  

Một là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Theo đó, trọng tâm là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, sạch, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa, con người Việt Nam. Với những nỗ lực đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua; là một trong 3 quốc gia có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. 

Song song với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, chúng tôi rất coi trọng thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế. Việt Nam đã ký hơn 90 hiệp định thương mại và 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương; là thành viên của 16 Hiệp định Thương mại tự do với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và 10 điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu, trong những năm gần đây[1].

Hai là, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển đổi xanh hướng tới các mục tiêu, cam kết toàn cầu về khí hậu. Song song với hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, Nhà nước cũng nghiên cứu để bổ sung nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận các nguồn tài chính xanh và đào tạo nguồn nhân lực. Việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và nhóm các đối tác quốc tế cũng sẽ đóng góp quan trọng cho việc hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Ba là, tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ phân biệt trong xã hội. Người dân là mục tiêu, là chủ thể của phát triển, mọi chính sách và hoạch định tương lai phải hướng tới hạnh phúc của người dân. Việt Nam đang triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp bình đẳng, bao trùm, toàn diện; đồng thời tạo điều kiện để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với khoa học - công nghệ. 

Thưa Quý vị, 

Để thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra, ngoài những nỗ lực của chính mình, chúng tôi mong muốn các bạn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc tham vấn, đề xuất chính sách và ý tưởng đầu tư mới; chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới; và thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển. Với chủ trương lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: (i) Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; (ii) Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; (iii) Linh kiện điện tử, ô tô điện...; (iv) Sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; (v) Phát triển trung tâm tài chính, tài chính xanh; và (vi) Công nghệ sinh học, y tế…

Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài; tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; cũng như bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động. Chúng tôi nhìn nhận sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính mình, và thất bại của doanh nghiệp cũng là thất bại của Nhà nước trong điều hành chính sách. Chúng tôi chào đón và tạo điều kiện tối đa để Quý vị đầu tư trong các lĩnh vực nêu trên.

Thưa Quý vị,

2. Thành công của APEC chỉ có thể đạt được trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa các thành viên, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân. Tôi mong rằng tất cả thành viên APEC cùng đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, gác lại khác biệt để cùng giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng và quyết tâm của tất cả chúng ta, APEC sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện thành công trong giai đoạn phát triển mới.  

Nữ thi sĩ Ina Coolbrith, nhà thơ danh dự đầu tiên của nền thi ca California vào đầu thế kỷ 20, đã có những câu thơ ấm áp, tươi sáng về thành phố San Francisco: 

    Từ nơi đây, Cổng Vàng thành phố, 
    Đón tia nắng phương Đông rực rỡ, 
    Hoàng hôn buông ráng chiều lấp lánh,
    Ngự trong ánh hào quang muôn thuở, 
    Thành phố của sương mù, và của những giấc mơ!

Và hôm nay, tại San Francisco nơi mà chúng ta đang gặp gỡ, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục thắp sáng những giấc mơ của thành phố, của khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, thịnh vượng và của thế giới hoà bình và hợp tác.

    Xin chúc Quý vị sức khoẻ và hạnh phúc! 
    Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
    Xin trân trọng cảm ơn.

__________________________ 
 [1] Theo đánh giá của WTO, UNCTAD và các ngân hàng quốc tế.

Theo TTXVN