Tọa đàm thực trạng mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương: Gợi mở, đề xuất giải pháp xác định tầm nhìn, mục tiêu và lộ trình phát triển

Thứ bảy, ngày 21/10/2023

(BDO) Hôm nay (21-10), Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề: “Thực trạng mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương và ý nghĩa trong tiến trình đổi mới đất nước”. Tọa đàm là một nội dung quan trọng trong việc triển khai các công việc của Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050” đã được Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương ký kết vào tháng 4-2022.

 Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện để Bình Dương đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, trục giao thông kết nối quan trọng của tỉnh. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm

Với mục đích làm rõ thực trạng mô hình phát triển tỉnh Bình Dương qua 25 năm xây dựng và phát triển, tọa đàm khoa học “Thực trạng mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương và ý nghĩa trong tiến trình đổi mới đất nước” sẽ tập trung làm rõ thành tựu, nguyên nhân và chỉ ra bài học kinh nghiệm của tỉnh trong tiến trình đổi mới của đất nước. Đồng thời trên cơ sở đó, tọa đàm gợi mở, đề xuất giải pháp, kiến nghị để xác định tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược và lộ trình phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2050. Theo dự kiến chương trình, trong thời gian 1 ngày, các đại biểu tham dự tọa đàm sẽ tập trung phân tích, đánh giá đúng tình hình, làm rõ mô hình phát triển của tỉnh, những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân từ thực tế phát triển của tỉnh Bình Dương qua 25 năm xây dựng và phát triển.

GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương:

“Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050” là hoạt động nghiên cứu tổng kết đầu tiên và duy nhất hiện nay trên cả nước về mô hình phát triển của một tỉnh mà Hội đồng Lý luận Trung ương trực tiếp phối hợp thực hiện. Điều này thể hiện được tính quan trọng của đề án...”.

Để chuẩn bị cho tọa đàm, thời gian qua, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tỉnh ủy Bình Dương, Ban Chủ nhiệm Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050” và các đơn vị liên quan đã gấp rút triển khai thực hiện nhiều nội dung, phần việc quan trọng. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu các chuyên đề, để phục vụ tốt cho tọa đàm, đầu tháng 10-2023, đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm, thành viên, chuyên gia, nhà khoa học tham gia thực hiện đề án và đại diện lãnh đạo tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương, đơn vị; tìm hiểu một số mô hình điển hình, những kinh nghiệm, cách làm hay trong các lĩnh vực qua thực tiễn 25 năm Bình Dương xây dựng và phát triển; đặc biệt là các lĩnh vực: Quy hoạch phát triển tỉnh, mô hình phát triển doanh nghiệp Nhà nước, mô hình phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI, phát triển khu công nghiệp gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường...

Đoàn khảo sát cũng đã tập trung nghiên cứu mô hình khai thác giá trị từ đất, phát triển nhà ở; đào tạo thu hút nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng cơ sở; xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số...

Tạo động lực tăng trưởng mới

Cùng với các hoạt động khảo sát thực tế nhằm chuẩn bị cho tọa đàm “Thực trạng mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương và ý nghĩa trong tiến trình đổi mới đất nước” cũng như phục vụ thực hiện Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”, đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương để tìm hiểu thực tế mô hình phát triển của tỉnh trong công cuộc đổi mới đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050.

Báo cáo tại buổi làm việc nhấn mạnh, sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã vươn mình phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu to lớn và đáng tự hào trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển thuộc nhóm đầu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Nếu như năm 1997, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3.919 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã tăng lên 459.000 tỷ đồng, gấp 117 lần, đưa Bình Dương trở thành địa phương có quy mô kinh tế đứng thứ 3 cả nước. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng gấp 14 lần, công nghiệp tăng 140 lần và dịch vụ tăng 152 lần. GRDP bình quân đầu người đạt trên 166 triệu đồng/người, gấp 28,7 lần so với năm 1997. Thu ngân sách năm 2022 đạt gần 62.000 tỷ đồng, Bình Dương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cao thứ 3 cả nước. Thu hút FDI của tỉnh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh...

Bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của tỉnh, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cho rằng Bình Dương từ tỉnh thuần nông nghèo, sau gần 30 năm đã có bước phát triển vượt bậc và thu được nhiều kết quả tích cực. Ngành công nghiệp, dịch vụ, chiếm gần 97% trong cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đứng hàng đầu cả nước, tỷ lệ đô thị hóa đạt 84%, gấp đôi cả nước. Ông khẳng định, có được thành công trên là nhờ tỉnh đã khai thác có hiệu quả các tiềm năng và vị trí, quan tâm đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; đồng thời quyết liệt cải cách hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã luôn tiên phong, đột phá và sáng tạo trong thực hiện các chiến lược phát triển phù hợp trong từng thời kỳ. Ông cho rằng, những thành công của Bình Dương sẽ là bài học hay để Trung ương tiếp tục hoàn thiện về mặt lý luận lẫn thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước thời gian tới.

Chia sẻ thông tin về định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh với đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương, đại diện ngành chức năng của tỉnh cho biết, trong giai đoạn mới, bên cạnh việc phát huy, tận dụng tối đa những tiềm năng lợi thế, Bình Dương tiếp tục tạo ra động lực tăng trưởng bằng việc đổi mới sáng tạo, sắp xếp vành đai công nghiệp, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế… gắn với định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh. Bình Dương định hướng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mô hình và cấu trúc phát triển, gồm: 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết và 5 phân vùng phát triển.

Theo đó, bản quy hoạch thời kỳ này hướng đến phát triển Bình Dương cùng với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ trở thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; là khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế…

 Chương trình tọa đàm khoa học “Thực trạng mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương và ý nghĩa trong tiến trình đổi mới của đất nước” dự kiến sẽ có 2 phiên. Phiên 1: Mô hình phát triển tổng quát của tỉnh Bình Dương. Phiên 2: Mô hình phát triển tỉnh Bình Dương trên một số lĩnh vực và quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị. Dự kiến, hơn 10 tham luận sẽ được trình bày tại tọa đàm và nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự…

 TRÍ DŨNG