Tọa đàm khoa học tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội
(BDO)
Toàn cảnh chương trình tọa đàm giữa Hội đồng Lý luận Trung ương với Tỉnh ủy
Sáng 25-10, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm trưởng đoàn đã phối hợp với Tinh ủy tổ chức tọa đàm Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011. Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo cho biết, nội dung chương trình tọa đàm khoa học mang tính chất quan trọng nhằm góp phần làm sáng tỏ lý luận và thực tiễn trong quá trình thực hiện Cương lĩnh 2011, đồng thời giúp Tỉnh ủy Bình Dương nhận thức sâu sắc hơn về lý luận và thực tiễn, đánh giá những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong quá trình lãnh đạo phát triển địa phương; nhìn nhận được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để rút ra những bài học kinh nghiệm và xây dựng các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đối với Bình Dương, đồng chí Phạm Văn Cành cho hay, năm 1997, Bình Dương được tái lập, thời điểm đó ngành công nghiệp và dịch vụ của tỉnh chưa phát triển mạnh. Từ điểm xuất phát thấp, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ đã luôn nhận thức, nhất quán quyết tâm đổi mới và chiến lược phát triển đúng đắn; chuyển một tỉnh với nền kinh tế nông nghiệp thành một tỉnh công nghiệp. Từ quyết tâm đó, tỉnh xây dựng một tiến trình phát triển công nghiệp gắn với chiến lược phát triển đô thị hóa; đưa quyết tâm thành hiện thực và tạo được sự đồng thuận trong toàn dân, trở thành quyết tâm chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh. Qua hơn 12 năm tính từ năm 2006, bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh đã thay đổi rõ rệt. Bình Dương hiện đã trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp cơ bản hiện đại trong cả nước. Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị cũng được quan tâm đầu tư, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng thông thoáng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sống, học tập và làm việc của người dân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đạt được kết quả đó, toàn Đảng, toàn dân của tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết để vượt qua những khó khăn sau thời kỳ đổi mới.
CAO SƠN