Tọa đàm Chủ tịch Tôn Đức Thắng với công tác Mặt trận

Thứ sáu, ngày 16/08/2013

  Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các cháu thiếu nhi.Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh đồng chí Tôn Đức Thắng (20/8/1888- 20/8/2013), ngày 16-8, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm khoa học “Đồng chí Tôn Đức Thắng với Mặt trận Dân tộc thống nhất.”

Buổi tọa đàm là dịp tìm hiểu sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp, khẳng định những cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam, với sự nghiệp xây dựng và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Chủ tịch nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người chiến sỹ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại An Giang.

Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, đô hộ, đồng bào phải sống trong nô lệ lầm than, với lòng yêu nước, thương dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sớm tham gia phong trào đấu tranh yêu nước và trở thành một trong những chiến sỹ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Chủ tịch cũng là một trong những người đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam hoạt động trong phong trào công nhân Pháp.

Trong suốt 15 năm bị giam cầm tại Côn Đảo, Chủ tịch Tôn Đức Thắng thực sự trở thành linh hồn của tù chính trị Côn Đảo. Là người sáng lập và lãnh đạo chi bộ đặc biệt của nhà tù Côn Đảo, Chủ tịch Tôn Đức Thắng được anh em khâm phục và tín nhiệm bởi ý chí kiên cường, bất khuất trong tranh đấu với kẻ thù, mẫu mực về nhân cách cộng sản, là trung tâm đoàn kết của chi bộ và của Hội tù nhân Côn Đảo.

Chủ tịch là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, từ Côn Đảo trở về, Chủ tịch đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao phó nhiều trọng trách quan trọng. Ở bất cứ cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng nêu tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã thảo luận, làm sâu sắc các nội dung: Đồng chí Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Mặt trận Dân tộc thống nhất; Đồng chí Tôn ĐứcThắng với những cống hiến lý luận và chỉ đạo thực tiễn xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất; Đồng chí Tôn Đức Thắng - tấm gương đạo đức sáng ngời, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Hơn 30 năm liên tục gắn bó với công tác Mặt trận (1946-1977), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có những cống hiến to lớn và để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Chủ tịch hết lòng chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết cả nước vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hiện thân tiêu biểu cho phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, luôn chăm lo góp phần vun đắp và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ là nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc mà còn có nhiều cống hiến quan trọng về lý luận xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam. Những quan điểm về xây dựng Mặt trận và tấm gương sáng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn luôn có giá trị thời sự, thiết thực đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân hôm nay và mai sau.

Cuộc đời gần 70 năm hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương mẫu mực về lối sống khiêm tốn, giản dị, chân thành gần gũi đồng chí, đồng bào, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn.

Di sản quý giá mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng để lại cho Đảng, nhân dân là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cộng sản, là sự hội tụ khí chất hào hiệp của người dân vùng sông nước Nam Bộ, là ý chí kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đồng thời là sự hội tụ tinh túy của tinh thần yêu nước, thương dân, sự cảm thông, hòa đồng với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, dù khó khăn, gian khổ, không giao động, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, chí công, vô tư quên mình, khiêm tốn, giản dị, chân thành, trong sáng.

Theo TTXVN