Tổ văn - giáo dục công dân trường THPT Dầu Tiếng : Thi đua nâng cao chất lượng giảng dạy

Thứ hai, ngày 30/11/2009

Những tiết thảo luận nhóm giúp học sinh cùng bổ sung kiến thức cho nhau

Trường THPT Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) có truyền thống dạy tốt - học tốt, trong đó nổi bật là tổ ngữ văn - giáo dục công dân (GDCD). Hàng năm 100% giáo viên (GV) đạt tiên tiến trở lên, 5 - 6 GV đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có sáng kiến kinh nghiệm loại B, C cấp tỉnh, một GV đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; dịp 20-11 vừa qua, tổ được Sở Giáo dục - Đào tạo công nhận tập thể lao động tiên tiến. Thành tích của tổ đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Tích cực đổi mới

Theo thống kê, hàng năm tổ đều có lớp đạt danh hiệu lớp tiên tiến, tỷ lệ lên lớp của bộ môn đạt 90%, tỷ lệ tốt nghiệp lớp 9 đạt 100%, tỷ lệ tốt nghiệp lớp 12 bốn năm liền đều vượt chỉ tiêu tỉnh. Kết quả này là minh chứng cho sự tận tâm, nhiệt tình của tập thể tổ ngữ văn - giáo dục. Cô Hiền, tổ trưởng bộ môn đánh giá: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục là việc làm đầu tiên tổ đặt ra đối với từng GV. Mỗi cá nhân phấn đấu đầu tư bài giảng, đổi mới phương pháp, làm đồ dùng dạy học hoặc ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết giảng. Trong số những GV tích cực đổi mới phương pháp nổi lên những nhân tố điển hình như các cô Mai Loan, Tạ Phương Hà, Hằng Nga...

Đối với môn văn trước đây, GV chỉ sử dụng 2 phương pháp cơ bản là hỏi đáp và thuyết trình, còn bây giờ kết hợp nhiều phương pháp trong tiết dạy. GV tổ chức cho học sinh (HS) thảo luận nhóm, thuyết trình, ôn lại kiến thức cũ bằng những câu hỏi đố vui văn học... Bằng hình thức này, giúp HS mở rộng kiến thức, nhớ bài được lâu hơn.

Hay như môn GDCD, ngoài đổi mới phương pháp, GV còn sử dụng nhiều đồ dùng dạy học, giúp cho học sinh không ngán khi học bộ môn vốn dĩ khô khan này. Những giờ học GDCD không còn kiểu đọc - chép, nhìn chép mà luôn sinh động do học sinh cùng tham gia vào bài học. Đơn cử như đối với bài cơ cấu pháp luật trong Nhà nước, GV cho học sinh tìm hiểu những nguyên thủ quốc gia, các em tự tìm kiếm, sưu tầm tài liệu... Nhiều em không chỉ thực hiện theo yêu cầu của GV là trình bày bằng sơ đồ, mà có em còn chuẩn bị cả hình ảnh và tóm tắt tiểu sử nhân vật... Với cách cộng học này, HS nhớ bài lâu hơn so với cách dạy cổ điển trước kia.

Đầu tư chất lượng

Cô Hiền, tổ trưởng ngữ văn - giáo dục cho biết: Để cả tổ cùng tiến, mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ giúp đỡ nhau về chuyên môn như: cách sử dụng đồ dùng dạy học và phương pháp dạy đạt hiệu quả tốt, sưu tầm tư liệu hình ảnh... Để có cơ sở đóng góp lẫn nhau, các GV sắp xếp thời gian dự giờ góp ý cho đồng nghiệp trước khi thao giảng ra tổ. Việc đánh giá tiết thao giảng cũng là những kinh nghiệm quý báu để mỗi GV trau dồi phương pháp soạn giảng được tốt hơn.

Trong phong trào thi GV giỏi các cấp và viết sáng kiến kinh nghiệm, năm nào tổ cũng có thành viên tham gia. Cũng theo cô Hiền, đây là công việc khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị công phu, tích lũy kinh nghiệm lâu dài mới có được đề tài tốt. thời gian qua các thành viên luôn hình thành nhiều nhóm chuyên môn theo từng khối lớp, sinh hoạt chuyên đề, cùng nhau trao đổi nội dung, phương pháp, từ đó đưa ra những ý kiến tích cực từ khâu chọn đề tài, cách thức thực hiện đến kết quả khảo sát, tìm tư liệu tham khảo...

Từ sự tận tâm, yêu nghề, các GV đã phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi, năm nào cũng có HS giỏi cấp tỉnh ở môn GDCD. Nói về tập thể tổ ngữ văn - giáo dục, thầy Lê Hữu Thiện, Hiệu trưởng trường nhận xét: Thế mạnh của tổ ngữ văn - giáo dục là nữ chiếm gần 80%. Trong tổ có người nhiều năm trong nghề và cả những GV trẻ, những người lớn tuổi thì dìu dắt truyền đạt kinh nghiệm cho người đến sau, ngược lại những GV trẻ thì nhiệt tình, năng động, qua đó đã bổ sung cho nhau cùng củng cố chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng chất lượng giáo dục của nhà trường.

H.THÁI