Tổ quốc bên bờ sóng: Thọ Quang rộn ràng sóng vỗ
Kỳ 36: Thọ Quang rộn ràng sóng vỗ
(BDO) >> Xem kỳ trước
Tàu cá đang neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang chờ ngày ra khơi
Nơi những con tàu vươn khơi
Giữa trưa nắng chang chang, bán đảo Sơn Trà vạm vỡ đứng hiên ngang bên vịnh Đà Nẵng. Đi qua cầu Rồng, thêm một đoạn dài qua các dãy phố thênh thang, xanh, sạch của Sơn Trà, chúng tôi đến âu thuyền Thọ Quang (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Âu thuyền chen chúc người trên bến, dưới thuyền khiến cho chúng tôi quên đi cảm giác oi bức của cái nắng trưa hè. Những con tàu san sát cập bờ cảng Thọ Quang đang đợi bốc dỡ hải sản sau một chuyến đi biển đầy ắp cá tôm. Thọ Quang không chỉ là âu tàu an toàn tránh bão, mà còn là một trong những chợ hải sản lớn nhất miền Trung.
Ông Phạm Bá Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý âu thuyền Thọ Quang cho biết: “Trong những ngày qua, lượng tàu thuyền của ngư dân miền Trung cập cảng cá Thọ Quang khá lớn, có ngày hơn 70 tàu cập bến. Phần lớn là tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế... Theo thiết kế, âu thuyền Thọ Quang có thể tiếp nhận khoảng 1.200 tàu có công suất 30 CV trở lên cùng một thời điểm. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, âu thuyền luôn là điểm cập bến quen thuộc của tàu thuyền đánh bắt cá gần bờ, xa bờ và nhất là tàu thuyền khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở về. Có lúc, số lượng tàu cập âu thuyền Thọ Quang lên đến 1.600 chiếc, nhộn nhịp vô cùng.
Chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Quang Hiển, một chủ tàu đánh bắt cá xa bờ vừa cập cảng Thọ Quang. Anh cho biết, chuyến đi biển vừa rồi thuyền có 8 thuyền viên, đi suốt 13 ngày mới về. Sau khi trừ các chi phí, mỗi người thu được từ 5 - 10 triệu đồng. Đây là một thu nhập không nhỏ đối với người ngư dân bám biển. Chính vì thế, từ giờ đến cuối năm, tàu của anh tiếp tục ra khơi.
Ngư dân sửa lưới trước khi rời âu thuyền Thọ Quang đánh bắt xa bờ
Và những trái tim giữ biển
Ngư dân trẻ Trần Văn Mười mời chúng tôi lên tận cabin tàu câu mực của mình, chỉ từng vết nứt trên mạn tàu. Anh kể, trong chuyến câu mực vừa rồi, dù bị nhiều tàu nước khác vây, gây khó dễ nhưng tàu vẫn cương quyết bám lấy ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục khai thác trên vùng biển của mình. Dẫu thế, nhiều tàu vỏ sắt của các thế lực nước ngoài vẫn hay quấy nhiễu, nhiều lần đâm vào mạn tàu của anh để cản trở việc đánh bắt hợp pháp. Vậy nhưng anh rất tự tin: “Tàu của tôi thuộc loại lớn nhất ở đây. Có bị quấy nhiều, tôi cũng phải khai thác đầy tàu rồi mới về. Rời âu thuyền Thọ Quang đi đúng 2 tháng, tàu của tôi về mang đầy ắp mực xà, thu lợi hơn 2 tỷ đồng…”.
Âu tàu Thọ Quang nằm thoai thoải bên giữa biển và những vách núi sừng sững của bán đảo Sơn Trà. Cũng từ đây, hàng ngàn lượt tàu ra, về. Họ về Thọ Quang lấy “tổn” rồi hiên ngang đạp sóng, cưỡi gió, vươn ra biển lớn bất chấp những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm rình rập ở khơi xa. Chúng tôi lặng người bên tàu QNg 97093 TS khi bắt gặp cảnh 4 - 5 ngư dân đang ngồi vá lại những mảnh lưới bị rách bươm sau lần đi biển đầy bất trắc. Ngư dân trẻ Trần Văn Bạn cho biết: “Có lần bọn tôi thả lưới vây xong, đang chuẩn bị kéo thì tàu nước ngoài cố tình đi băng qua làm đứt lưới. Bất bình nhưng chúng tôi vẫn kiên gan gia cố tạm rồi kéo lưới. Giữa biển cả mênh mông, mình là tàu gỗ công suất nhỏ nên vừa bám biển bằng sự gan góc, vừa phải tỉnh táo để làm việc của mình…”.
Đứng trên mạn tàu QNg 97093, bên những tiếng nói cười rộn rã, hồn nhiên của những anh ngư dân vá lưới, chúng tôi thầm nghĩ về những vết nứt trên tàu câu mực của anh Trần Văn Mười. Giữa biển khơi, họ kiên gan bám biển, giữ vững ngư trường trước bao khó khăn, thách thức của cả thiên tai và “nhân tai”. Nếu nói vì miếng cơm manh áo thôi cũng không đúng. Đó còn là truyền thống, là sự bền bỉ, kiên định của ngư dân Việt trên ngư trường của cha ông bao đời để lại.
Chúng tôi rời âu thuyền Thọ Quang khi hàng chục chiếc tàu công suất lớn đang khẩn trương lấy “tổn” để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Âu thuyền ngày ngày vẫn rộn ràng sóng vỗ, đưa tiễn những con tàu bám biển, ra khơi đầy khí thế để mang nhưng sản vật của đại dương trở về. Theo thống kê từ Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, năm 2013 sản lượng tàu cá cập cảng khoảng 17.800 chiếc với hơn 77.300 tấn hải sản các loại. Hiện nay, cảng cá Thọ Quang chưa trang bị được cân điện tử nên số lượng chỉ tính trên cơ sở ước lượng sản lượng mỗi tàu. Cảng cá Thọ Quang đang phấn đấu để lên cảng loại 1 và trở thành chợ đầu mối lớn nhất phục vụ ngư dân khu vực miền Trung.
Thọ Quang một ngày biển lộng, đầy nắng. Những con thuyền đang neo đậu chỉnh tề trong âu thuyền đợi ngày vươn mình trên biển. Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên đỉnh những cabin tàu tựa như một vũ điệu lấp lánh màu sắc dưới nắng vàng trên bán đảo Sơn Trà. Ngày ngày, biển vẫn dang tay ôm vào lòng những con tàu ra đi từ Thọ Quang, mang theo hàng ngàn trái tim giữ biển, giữ vững chủ quyền đất nước.
Kỳ 37: Tình yêu biển lớn
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG