Tổ quốc bên bờ sóng: Thêm một câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
Kỳ 26: Thêm một câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
>>Xem tiếp kỳ trước
“... vậy là hết chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ… Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu…”. Đó là nội dung được liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi ở trang đầu trong quyển nhật ký khi chia tay các chiến sĩ tàu không số (tức tàu C43)...
Ông Hào đang xem lại hình ảnh chị Đặng Thùy Trâm
Trong những ngày ở Hải Phòng lang thang tìm hiểu về đoàn tàu không số, chúng tôi được một đồng nghiệp giới thiệu: Nên gặp ông Lưu Công Hào, sẽ có nhiều cái để viết. Qua điện thoại, ông Hào vui vẻ mời chúng tôi đến nhà tại phường Thành Tô, quận Hải An, TP.Hải Phòng. Trong căn phòng nhỏ trên gác xép, câu chuyện giữa chúng tôi và người chiến sĩ tàu C43 năm xưa diễn ra nhẹ nhàng, đôi khi ông chỉ ngồi trầm ngâm như đang hồi tưởng về những năm tháng đầy cam go, ác liệt nhưng vô cùng đẹp đẻ. Tôi chợt thấy trên bàn làm việc của ông có lá thư chị Đặng Thùy Trâm gửi cho ông với những lời lẽ rất thân thương. “Chữ chị Trâm đẹp quá!”. Tôi nhìn và nói vậy. Lời nói của chúng tôi hình như đã khơi dậy ký ức nên ông bỗng vui hẳn lên. “Đúng vậy, chị Trâm viết cho tôi hồi năm 1968 đó…”, ông nói.
Lá thư của chị Đặng Thùy Trâm gửi ông Lưu Công Hào năm 1968
“Gặp em chị như thấy lại cả quê hương trong đôi mắt nhìn thắm thiết, trong giọng nói quen thân, trong tiếng cười ấm áp của em…”. Ông Hào nâng niu bức thư và đọc cho tôi nội dung đoạn đầu như thế, rồi ông bắt đầu kể về câu chuyện cách đây hơn 40 năm. Đêm 27-2-1968, từ bến K15 con tàu C43 cùng với ba tàu khác đồng loạt xuất bến chở vũ khí vào Nam. Khi tàu C43 vừa qua quần đảo Hoàng Sa lập tức bị ba tàu chiến và máy bay địch bám theo. Biết đã bị lộ, tàu C43 quyết định quay mũi tàu hướng vào vùng biển Đức Phổ (Quảng Ngãi). 12 giờ đêm, khi cách bờ khoảng 5 hải lý bất ngờ ba máy bay địch vụt qua con tàu thả pháo sáng rực cả một vùng biển. Tàu của ta rõ như ban ngày. Ngoài khơi, bốn tàu chiến địch ầm ầm kéo vào nã đạn, bao vây hòng bắt sống con tàu. Trước tình hình đó, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng hạ lệnh nổ súng bảo vệ con tàu.
Hơn một giờ đồng hồ giao tranh với địch, quân ta tiêu diệt ba tàu chiến địch và một máy bay trúng đạn đổ nhào xuống biển, tung lên từng cột sóng nước. Bên ta có 3 chiến sĩ hy sinh, 11 người bị thương. Trong khi đang chạy vào bờ thì con tàu mắc cạn, đứng khựng lại. Thuyền trưởng ra lệnh mọi người rời tàu để kích nổ tàu. Ông Hào nhớ lại: “Một tấn thuốc nổ TNT được hẹn 30 phút, chúng tôi vừa kịp bơi vào tới bờ thì phía sau tàu đã nổ, chiếc tàu bị phá hủy”. Trận giao tranh diễn ra vô cùng quyết liệt. Ông Hào kể, lúc đầu nhân dân Đức Phổ đứng xem đông nghịt cả bờ biển. Họ tưởng là hải quân Mỹ - ngụy tập trận nên đến xem. Sau, thấy ta bắn cháy một máy bay, bà con mới té ngửa là bộ đội từ miền Bắc vào đang bị oanh tạc. Lập tức bà con tìm cách báo cho các đơn vị bộ đội ở địa phương đồng thời tìm mọi cách cứu các chiến sĩ tàu C43. Sau tiếng nổ hủy tàu, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đồng bào và du kích huyện Đức Phổ vẫn xông vào cứu chữa, băng bó vết thương cho các chiến sĩ và đưa về hầm bí mật an toàn. Ông Hào xúc động nhớ lại: “Nếu không có sự thương yêu, đùm bọc của bà con nhân dân Đức Phổ chắc chúng tôi hy sinh hết cả rồi…”.
Sau 10 ngày được nhân dân đùm bọc trong hầm bí mật, 11 cán bộ chiến sĩ tàu C43 được nhân dân đưa đến bệnh xá Đức Phổ. Tại đây, họ được chị Đặng Thùy Trâm ân cần điều trị và sau đó trở về miền Bắc bằng đường mòn Hồ Chí Minh. Dù đã trải qua hơn 40 năm nhưng kỷ niệm về những ngày ở bệnh xá Đức Phổ vẫn còn in đậm trong tâm khảm ông Hào. Sau này, khi biết chị Trâm hy sinh và để lại tập nhật ký mà trong đó có đoạn chị viết về đơn vị của ông khiến ông rất xúc động. Ông đọc cho chúng tôi nghe tiếp nội dung đoạn nhật ký này: “Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại hình dáng các anh. Những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương… Bỗng dưng, một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ và… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người…”.
Giọng ông Hào trở nên vui vẻ hẳn: “Chị Trâm rất đẹp, vẻ đẹp dịu dàng của người con gái thủ đô, với nụ cười thường trực trên môi, luôn lạc quan dù cho bom đạn xung quanh bệnh xá rền vang cả ngày lẫn đêm…”. Ông bảo, chị Trâm rất quan tâm đến ông, coi như một người em trai trong gia đình. Lá thư mà chị viết riêng cho ông cũng vào dịp chia tay của toàn đơn vị. Chị còn dặn dò ông, ra miền Bắc, có thời gian đến thăm nhà ba má chị ở Hà Nội...
Chúng tôi đọc hết lá thư chị Trâm gửi cho ông Hào. Nội dung đã thể hiện một tình cảm thiêng liêng với quê hương đất nước, một tấm lòng mong ước hòa bình. Chị viết: “Mong ước một ngày không xa nữa chị sẽ đến Đồ Sơn nghỉ mát và… một buổi chiều nào đó trên bãi biển Đồ Sơn, chị lại được gặp em, được nắm tay em… Nhớ gửi thư nhiều cho chị nghe em”.
Bây giờ, trong căn gác nhỏ của gia đình ông Hào, những tấm huân chương, những bức ảnh về đồng đội tàu C43 năm xưa cùng với bức thư và tấm hình chị Đặng Thùy Trâm vẫn được ông lưu giữ cẩn thận. Tạm biệt ông Lưu Công Hào - người lính biển kiên cường năm xưa, tôi biết ông đang sống với nhiều ký ức về một thời hào hùng và cả tấm lòng đang đau đáu về biển Đông đang bị ngoại bang đe dọa, xâm phạm. Chúc ông mạnh khỏe và luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ làm hết mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ từng tấc đất mà thế hệ tiền nhân, trong đó có cả những chiến sĩ quả cảm tàu không số đã phải đổ máu xương mới có được.
Kỳ 27: Bến cảng nghĩa tình
KIẾN GIANG - KHÁNH VINH