Tổ quốc bên bờ sóng: Nhớ Quang Trung ngày ấy…
>>> Tiếp theo kỳ trước
Kỳ 30: Nhớ Quang Trung ngày ấy…
Hành trình thực hiện loạt bài “Tổ quốc bên bờ song” đưa chúng tôi về với Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định) trong một buổi sáng mát trong. Tại đây, chúng tôi đã có dịp hiểu được tư tưởng đóng tàu lớn, phát triển hải quân đánh giặc, giao thương với nước ngoài của vị anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung.
Quang Trung - Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đã viết nên một trang sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam khi lãnh đạo phong trào nông dân Tây Sơn đập tan 29 vạn quân Thanh ở phía Bắc và hơn 2 vạn quân Xiêm ở phía Nam. Chính ông, từ lúc 18 tuổi đánh trận đầu ở Phú Yên, 29 tuổi đánh tan hạm đội gần 500 chiến thuyền của Nguyễn Ánh với nhiều tàu chiến của Pháp (1782) đến việc đánh bại đội thủy quân gồm 300 chiến thuyền nước Xiêm rồi tiến quân ra Bắc đánh quân nhà Thanh, đã liên tục hiện đại hóa tàu thuyền để nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân.
Gỗ từ chiến thuyền của thủy binh thời Tây Sơn được vớt từ đầm Thị Nại
Anh Trần Trung Thông, cán bộ của Bảo tàng Quang Trung rất vui khi biết chúng tôi tìm hiểu về lịch sử hải quân dưới thời Tây Sơn. Anh cho biết: “Hải quân Tây Sơn ngày ấy rất hùng hậu. Để giữ nước và bảo vệ chủ quyền, hải quân của ta được hình thành từ thời Lý - Trần, phát triển mạnh vào thời Trịnh - Nguyễn, đặc biệt mạnh mẽ ở thời Tây Sơn”. Như để chứng minh ý kiến của mình, anh Thông đưa chúng tôi đi khắp Bảo tàng Quang Trung và thuyết minh khá kỹ ở gian trưng bày về hải quân dưới thời Tây Sơn.
Những bức ảnh phục dựng lại quang cảnh chiến đấu dưới thời Tây Sơn cho thấy, chiến thuyền nhiều khoang do Hoàng đế Quang Trung khuyến khích đóng đã chiếm nhiều ưu thế trước các lực lượng quân sự lớn trên biển khi ấy là Nguyễn Ánh, quân Xiêm và cả chiến thuyền của phương Bắc. Đặc biệt, trong quá khứ quân Tây Sơn đã có những chiến thuyền rất to, chở đến khoảng 700 - 800 quân. Điều này được ghi chép khá rõ trong quyển “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771- 1802” của Tạ Chí Đại Trường: “Tháng giêng năm Canh Thân 1800, tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng đưa hai chiếc Định quốc Đại hiệu thuyền, chở từ 50 - 60 khẩu đại bác chắn ngang cửa Thị Nại. Dày đặc bên trong là 40 tàu lớn, 20 tàu nhỏ với hơn 100 ghe thuyền đậu san sát đến cửa vào Đầm Nước Mặn. Trên núi, Dũng đặt đại bác yểm trợ đoàn tàu. Trên bộ, Dũng còn có hơn 50 voi trận và quân lính…”.
Du khách gần xa tìm về Bảo tàng Quang Trung nghe kể chuyện thời Tây Sơn đóng tàu lớn đánh giặc
Thực ra, sau khi đánh chìm và tịch thu chiếc tàu Macao của Bồ Đào Nha tại biển Quy Nhơn, Quang Trung đã cho phát triển thủy quân. Ông liên tục kêu gọi và chiêu mộ binh phu từ các vùng khác nhau trong cả nước để đóng tàu lớn đánh giặc. Khi đó, ông đã cho đóng những tàu có thể chở nổi các con voi đánh trận, một vũ khí khiến cho giặc phương Bắc nhiều phen kinh hồn bạt vía. Một trong những chiếc tàu đó là chiến thuyền mà người Anh đi lạc vào thành Quảng Nam trong chuyến tháp tùng phái bộ Mac Cartney nhìn thấy, ước lượng đến 150 tấn trọng tải. Điều này cũng trùng khớp với nhận định của viên sĩ quan người Pháp Chaigneau, người từng theo Nguyễn Ánh trong cuộc giao tranh với nhà Tây Sơn. Chaigneau viết: “Trước khi nhìn thấy thủy quân của đối phương, tôi rất khinh thường, nhưng tôi bảo đảm với các ông rằng đó là sai lầm. Họ (quân Tây Sơn) có những chiến thuyền mang từ 50 - 60 đại bác cỡ lớn”. Chính vì điều này mà dù Pháp có ý định xâm lược vào Việt Nam từ thời Tây Sơn nhưng đã chùn bước trước lực lượng hải quân hùng mạnh của người bản địa.
Chúng tôi sờ vào 2 khẩu thần công được nhân dân Bình Định trục vớt từ biển Thị Nại rồi đem về trưng bày ở Bảo tàng Quang Trung, như nghe trong đó tiếng luyện kim, những chiến tích hào hùng hơn 200 năm trước vọng về. Thời gian trôi đi, những lớp trầm tích văn hóa, quân sự như càng dày hơn để chúng ta thêm tự hào về một thời đại đầy hào hùng của những người nông dân áo vải theo vị anh hùng của mình đánh Nam, dẹp Bắc.
Không chỉ hiện đại hóa hải quân để đánh nhau với nhà Nguyễn, Quang Trung còn mang tư tưởng đóng tàu lớn, tăng cường khả năng quân sự để vươn lên đứng hiên ngang bên cạnh người láng giềng bá quyền nhà Thanh ở phương Bắc. Ông Trần Viết Dũng, một nhà nghiên cứu thời Tây Sơn giải thích kỹ các mô hình tàu chiến thời Tây Sơn cho chúng tôi rồi kết luận: “Thời đó, dù gửi sứ sang nhà Thanh và gửi thư đòi 7 châu Hưng Hóa về lại cho Đại Việt nhưng Quang Trung vẫn không tin tưởng lắm. Ông liền ra chiếu thư sửa soạn, đóng thêm nhiều tàu lớn nữa để một mặt dẹp phương Nam, yên bờ cõi rồi chuẩn bị ứng phó với phương Bắc khi có biến xảy ra…”.
Thật tiếc cho dự định của vua Quang Trung bất thành khi chỉ sau 20 ngày hạ lệnh tập trung đóng thuyền lớn đánh giặc, ông đột ngột qua đời. Khi đó, thư đòi đất của ông rất đanh thép: “Miền Tây có 7 châu: Tung Lăng, Lỗ Tuyên, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu đều của bản quốc. Trấn mục Hưng Hóa bảo rằng thổ dân đã bị phương Bắc đánh thuế… Tôi đâu dám bỏ đất đai, xin cử người lên Nam Quan chờ lệnh. Đồng thời, sai quan văn, võ điều tra địa giới 7 châu đưa về đồ bạ bản quốc…”. Thư đòi đất của Quang Trung đã được vua nhà Thanh chấp thuận. Rõ ràng, đối với Quang Trung chuyện đòi đất, giữ đất do tiền nhân để lại chưa bao giờ nguôi trong lòng ông. Cũng theo ông, giặc phương Bắc luôn là mối họa lâu dài và cần phải vươn vai độc lập.
Chúng tôi chia tay Bảo tàng Quang Trung, chia tay những kỷ vật gắn với người anh hùng dân tộc Quang Trung, một hình tượng minh chứng cho sức sống bất diệt, tinh thần chống giặc ngoại xâm kiên cường của những người nông dân áo vải đất Việt. Cửa biển Thị Nại những ngày đầy gió và nắng đang chứng kiến những đợt sóng vỗ miên man khiến chuyến xe của chúng tôi về phố biển Quy Nhơn, về với chiến trận năm xưa thêm bồi hồi xúc động. Khi biển Đông đang có “sóng dữ”, người hậu thế lại càng thêm nhớ về một vị anh hùng xuất chúng với tinh thần vươn ra biển lớn kiên cường…
Kỳ 31: Nối những mùa vui
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG