Tổ quốc bên bờ sóng: Làng vác đá xây Trường Sa
Cách Trường Sa hàng ngàn km, nhưng hơn 20 năm nay, những người nông dân làng Bỉnh Gi (xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định) vẫn âm thầm vác đá ra Trường Sa xây đảo. Thống kê của xã cho thấy, đã có hơn 30.000 lượt người làng này ngày đêm gắn bó với sóng gió Trường Sa để góp phần giữ vững chủ quyền đất nước.
Những nông dân… xây đảo
Bỉnh Gi là xã thuần nông. Từ đường liên huyện, chúng tôi phải xuống xe ô tô để lội bộ hơn 3km vào sâu trong làng, hai bên đường vàng ươm những ruộng lúa trĩu hạt đến mùa thu hoạch. Ấy vậy mà cái xã thuần nông với những nông dân một nắng, hai sương lam lũ quanh năm này lại là những người có công lớn trong việc xây dựng huyện đảo Trường Sa xinh đẹp như ngày hôm nay.
Xây đảo Trường Sa là nhiệm vụ thiêng liêng của người dân làng Bỉnh Gi (ảnh do nhân vật cung cấp)
Sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, cả nước có phong trào hướng về Trường Sa, “tôn nền Tổ quốc”, Thiếu tướng Hoàng Kiềm khi ấy là trung tá phụ trách một đơn vị công binh chuyên xây dựng đảo Trường Sa. Ông bảo, không đâu có đội thợ xây dựng chịu thương, chịu khó và giỏi nghề như người làng Bỉnh Gi quê mình. Vậy là dịp nghỉ phép về quê ăn tết năm 1991 cũng là ngày ông về “tuyển mộ” thợ xây đảo. Khi khắp các nhà trong làng còn rộn vang tiếng cười vui xuân ấm áp thì 8 người nông dân xã Bỉnh Gi đã vác ba lô theo Thiếu tướng Hoàng Kiềm lên đường đi xây đảo.
Ở tuổi 62, đầu đã bạc trắng và đôi bàn tay đầy những vết sẹo thời gian, ông Lê Văn Biền, một trong những nông dân đầu tiên theo ông Hoàng Kiềm năm ấy nhớ lại: “Chúng tôi vào Sài Gòn rồi lên tàu hải quân ra xây đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa. Từ bé đến lớn chỉ gắn bó với ruộng đồng, hết vụ lại đi làm thợ xây nào đâu có biết biển là gì. Vậy là lên tàu ai cũng say sóng đến quay cuồng…”.
Nhưng đó chỉ là những thử thách đầu tiên. Công việc xây đảo gian khó hơn nhiều. Quen cảnh sống giữa ruộng đồng xanh ngút mắt, ra Trường Sa họ chỉ có lính đảo, đá và dăm cây phong ba làm bầu bạn. Nước là thứ quý hiếm vô cùng trong những ngày xây đảo. Ông Nguyễn Văn Quyển, cũng là một người đi xây đảo bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó nhiều hôm chúng tôi phải nhai lương khô để xây đảo. Có hôm thiếu nước, anh em phải nhịn bớt mỗi người một ca nước để đủ nước trộn hồ. Tắm giặt là thứ xa xỉ nhất. Nước tắm giặt lại được tận dụng để xây đảo”.
Khó khăn thiếu thốn là thế nhưng trong những trái tim người nông dân làng Bỉnh Gi chỉ mong đem hết cái cần mẫn, tài nghệ của bản thân mình để xây những ngôi nhà to đẹp cho các anh lính đảo yên tâm canh giữ biển trời Tổ quốc. Ba tháng trôi qua, 8 nông dân làng Bỉnh Gi nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng công binh đã hoàn thành ngôi nhà 2 tầng cho anh em bộ đội Trường Sa. Niềm vui khôn xiết, họ òa khóc trong ngày bàn giao công trình rồi chia tay hòn đảo mà họ thân thuộc đến từng mỏm đá, mép nước…
Nghĩa tình Trường Sa
Đã hơn 20 năm kể từ cái ngày 8 người rời làng theo Thiếu tướng Hoàng Kiềm, giờ làng Bỉnh Gi đếm đi đếm lại đã có hơn 30.000 lượt nông dân đi xây đảo Trường Sa. Không chỉ đóng góp cho Trường Sa những bàn tay thợ xây tài hoa, mà làng còn nhiều đội quân khác như đội vác đá xuống tàu, đội phá đá, thợ sắt, thợ mộc, thợ mạ… Có người chỉ đi vài tháng nhưng cũng có người gắn bó với Trường Sa hết đợt này đến đợt nọ. Chính vì thế, nhiều người còn bảo nhau: “Nếu có cuộc thi tìm hiểu Trường Sa chắc người làng Bỉnh Gi ẵm giải cao nhất. Bởi người làng Bỉnh Gi thuộc từng hòn đá, viên gạch xây trên đảo…”.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng như nhiều người làng Bỉnh Gi luôn tự hào với những chuyến đi xây đảo Trườ
Chúng tôi đến nhà ông Đỗ Công một sáng mát trong. Ông bảo, trong nhà có 3 người đàn ông thì cả 3 đều là thợ xây đảo Trường Sa. Ông là người đầu tiên ra đảo đi vác đá xây nhà. Sau đó, 2 con trai ông là Đỗ Tiến và Đỗ Thịnh đều nối nghiệp bố đi làm thợ xây ở Trường Sa. Ông Công bảo: “Mình đi vác đá xây đảo, tự hào quá nên về kể hết cho chúng nghe. Vậy là đến tuổi rời khỏi ghế trường làng, chúng cứ nằng nặc đòi bố cho đi xây đảo cùng mọi người trong làng…”.
Đối diện nhà ông Công có nhà ông Nguyễn Văn Phong cũng có con trai và con rể đều là thợ xây đảo Trường Sa. Còn rất nhiều nữa những cái tên của người trong làng Bỉnh Gi đi xây đảo. Cơ số đàn ông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đi xây đảo Trường Sa không chỉ đếm trong từng mái nhà mà là cả làng. Thật bất ngờ khi đang trong vụ gặt, chúng tôi về làng không gặp một thanh niên, trai tráng nào. Ông Phong cho biết: “Họ đi xây đảo hết rồi chú ạ. Những năm gần đây, mùa biển lặng thì xây đảo, mùa biển động thì về Cam Ranh xây cảng biển. Chỉ có tết là trong làng nhiều đàn ông về, còn bình thường thì chỉ phụ nữ và người già ở lại…”.
Những người nông dân chất phác, chân lấm tay bùn, quanh năm gắn bó với đồng ruộng nhưng khi Tổ quốc vẫy gọi, họ đem tất cả mồ hôi và cả máu của mình để xây đảo, giữ biển trời quê hương, xứ sở. Người làng Bỉnh Gi hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn hướng về Trường Sa thân yêu bằng cả trái tim và khối óc của mình. Trở về quê hương, dù cuộc sống vẫn còn bộn bề lo toan nhưng người làng Bỉnh Gi vẫn tự hào với cái tên: “Làng vác đá xây Trường Sa”.
Kỳ 18: Dòng họ giữ sách chủ quyền
KHÁNH VINH – KIẾN GIANG