Tổ quốc bên bờ sóng : Cửa Lò biển sóng

Thứ năm, ngày 31/07/2014
Kỳ 28: Cửa Lò biển sóng

 Biển Cửa Lò một ngày hè đầy nắng. Từng đợt sóng vỗ miên man làm mê đắm du khách gần xa. Cửa Lò - thị xã trẻ bên bờ biển Nghệ An không chỉ là niềm tự hào của bao người dân xứ Nghệ mà còn là một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn đối với du khách thập phương.

>>> Tiếp theo kỳ trước

Từ trong cổ tích

Anh Đào Văn Thọ, giáo viên dạy văn tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) đưa chúng tôi đi giữa những bãi cát dài thoai thoải. Đằng xa, hàng trăm du khách nô đùa bên bờ sóng. Biển dài, rộng và đẹp như một bức tranh. Theo giải thích của anh Thọ, Cửa Lò có nghĩa là bãi bồi có nhiều cát sỏi. Anh Thọ tự hào: “Các bạn thấy đó, Cửa Lò quê tôi dài thoai thoải với cát, sóng biển và những cảnh vật đẹp như tranh vẽ. Đến Cửa Lò không chỉ có biển mà còn có đảo Hòn Ngự, Nhãn Sơn, Cửa Hội, Sông Cấm… tạo thành những điểm đến du lịch khám phá đầy hấp dẫn…”.

   Vẻ đẹp đến miên man của biển Cửa Lò

Cầu cảng Cửa Lò đón chúng tôi vào một ngày bình yên, những chiếc thuyền vươn khơi, bám biển trở về theo con trăng đầy ắp cá tôm. Niềm vui hiển hiện trên những gương mặt đen sạm vì nắng, gió biển nhưng đầy khí phách kiên cường của ngư dân xứ Nghệ. Từ cảng Cửa Lò, chúng tôi lên một chuyến tàu du lịch khám phá Hòn Mắt, đảo có vị trí chiến lược quan trọng và được xem là “mắt thần” ngày đêm canh giữ biển trời quê hương đất nước.

Về sự tích của Hòn Mắt cũng khá ly kỳ. Dân gian Cửa Lò đến nay vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết về “Nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng” để nói về Hòn Mắt. Tố Nương quê ở An Lạc, Sơn Tây. Chồng của nàng quê ở Hàm Hoan (nay là xứ Nghệ). Cả hai vợ chồng đều là tướng lĩnh của Hai Bà Trưng. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu, nàng quyết định giong buồm tìm về Hàm Hoan đoàn tụ với chồng. Tuy nhiên, trên đường đi thuyền của nàng bị trôi dạt vào đảo Quỳnh Nhai. Ở đây, nàng không còn sức lực và phương tiện, đành phải ở lại trên đảo ngày đêm mong ngóng và gián mắt vào đất liền, quê chồng. Hòn Mắt - Nhãn Sơn có tên từ đó…

Hòn Mắt, Hòn Ngư giữ biển trời

Miên man trong lời kể của lão ngư Nguyễn Văn Quyết về Hòn Mắt, gần 2 giờ đồng hồ trên biển cùng vô số sự tích kỳ thú về vùng đất này khiến cho hơn 20 hải lý trên biển từ Cửa Lò ra Hòn Mắt của chúng tôi như ngắn lại. Từ xa, chúng tôi đã thấy Hòn Mắt bao gồm một cụm đảo lớn, nhỏ sừng sững, đứng án ngữ giữa biển xanh, gió lớn. Những người lần đầu tiên đặt chân lên đảo như chúng tôi luôn luôn có những cảm xúc dạt dào, khó tả.

   Biển Cửa Lò luôn hấp dẫn du khách gần xa

Trong chiến tranh chống Mỹ, Hòn Mắt cũng rất kiên cường bởi khả năng chiến đấu không mệt mỏi của các cán bộ, chiến sĩ ta với phương châm: “Vững ý chí, chắc tay súng. Bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”. Năm 1963, trước diễn biến phức tạp của chiến trường miền Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nhận được chỉ thị từ Bộ Quốc phòng thành lập 2 chiến tuyến trên biển tại Hòn Mắt và Hòn Ngư để án ngữ phía đông cho hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. “Đảo Mắt anh hùng” được thành lập vào ngày 31-3-1963 và cùng với Hòn Ngư trở thành đơn vị chiến lược quan trọng, tiếp tế vũ khí, đạn dược và nhiều khí tài quân sự, lương thực của miền Bắc chi viện cho miền Nam trên biển.

Chúng tôi vốc một ngụm nước ngọt của cán bộ, chiến sĩ rút ra từ khe đá. Nước mát trong và ngọt nhưng lại pha lẫn vị mặn của mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống nơi đây. Hòn Mắt đứng vững vàng giữa biển, trải qua bao cuộc binh biến và thời gian đã chứng kiến bao đau thương, mất mát. Khi biển Đông “dậy sóng”, vai trò của Hòn Mắt, Hòn Ngự tại Cửa Lò càng có ý nghĩa chiến lược. Đại đội 32 Hòn Mắt không chỉ giành được nhiều chiến công vang dội trong chiến tranh chống Mỹ mà trong bối cảnh hiện nay, các anh với khẩu hiệu truyền thống “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” đang ngày đêm chắc tay súng, vững tâm trước những diễn biến ở biển Đông. Trong chuyến hành trình ngắn ngủi của mình, chúng tôi vô cùng tiếc nuối khi không có thời gian để thăm Hòn Ngư, một danh thắng mà nhiều người kháo nhau: Đi Cửa Lò không thể không đi Hòn Ngư. Tuy nhiên, qua những câu chuyện kể của nhiều người dân địa phương, chúng tôi hiểu thêm phần nào về tinh thần đấu tranh quật cường của đất và người Cửa Lò, nơi có vị trí chiến lược về quân sự, chính trị.

Cửa Lò, đô thị trẻ vừa được thành lập năm 1994 với biểu tượng loài hoa cúc đang vươn mình trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất. Nét quyến rũ của TX.Cửa Lò hôm nay không chỉ bởi có bãi tắm sạch, đẹp bậc nhất Bắc Trung bộ mà còn là một trong những không gian đô thị du lịch không ngừng được hoàn thiện, phát triển để sau mỗi mùa du lịch lại đem lại cho du khách thêm cảm giác bất ngờ thú vị và thêm gắn bó.

Đô thị du lịch Cửa Lò hôm nay đã có những khu chung cư, biệt thự, các cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp nhỏ nhưng hiện đại cùng trường Đại học Tư thục Vạn Xuân... điểm xuyết trong một tổng thể không gian xanh của các khu dân cư và hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại, thân thiện. Biển xanh biếc với những dải cát dài trắng mịn màng càng góp phần tạo nên vẻ đẹp quyến rũ cho những bãi tắm Lan Châu, Xuân Hương, Cửa Hội...

Chúng tôi chia tay Cửa Lò trong tiếc nuối vì hành trình thực hiện loạt bài “Tổ quốc bên bờ sóng” vẫn còn dài. Buổi sáng Cửa Lò, hàng trăm du khách trên những chiếc xe hơi đắt tiền thu dọn đồ đạc để trở về sau một chuyến du lịch biển đầy thú vị. Điều đặc biệt so với những điểm du lịch khác là Cửa Lò đón rất nhiều khách du lịch đến từ đất nước Lào. Tại khách sạn Quân khu 4, dưới đại sảnh cùng làm thủ tục với chúng tôi có nhiều người bạn Lào thân thiện cùng chia tay TX.Cửa Lò. Anh Phonthavong, một du khách đến từ Paksé, cho biết: “Người Lào chúng tôi muốn cũng không thể có được bãi biển xanh đẹp và lòng hiếu khách như ở Cửa Lò. Những ngày hè oi bức, chúng tôi thường tìm về đây để vui chơi, giải trí. Hẹn gặp lại Việt Nam, hẹn gặp lại biển Cửa Lò đầy hấp dẫn!”.

 Kỳ 29: Gã “ngông” bỏ bờ, đóng tàu ra biển khơi

 KHÁNH VINH - KIẾN GIANG