Tổ Hợp tác trồng nấm ở xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng: Cách làm phù hợp, hiệu quả cao

Thứ sáu, ngày 31/03/2017

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của UBND huyện Bàu Bàng và Nghị quyết của Đảng bộ xã Tân Hưng, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp trong xã đã mạnh dạn đổi mới cây trồng, vật nuôi. Kết quả cho thấy, đến nay đã có nhiều mô hình sản xuất trên địa bàn xã đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như Tổ hợp tác (THT) trồng nấm.

 Mô hình trồng nấm bào ngư xám và nấm linh chi đã giúp nhiều gia đình ở xã Tân Hưng có nguồn thu nhập ổn định. Trong ảnh: Anh Hoàng Văn Quyết đang thu hoạch nấm bào ngư trong trang trại của gia đình Ảnh: HOÀNG PHẠM

Phát triển từ nhu cầu sản xuất

(BDO) Anh Hoàng Văn Quyết, Tổ trưởng THT trồng nấm xã Tân Hưng, cho biết việc trồng nấm trên địa bàn xã đã được nhiều hộ nông dân thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, do sản xuất của bà con chưa theo đúng quy trình kỹ thuật, chưa có quy trình bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và thị trường đầu ra thiếu ổn định nên thu nhập từ nấm khá bếp bênh. Từ thực tế đó, năm 2013 THT trồng nấm được thành lập với 12 thành viên, số vốn đầu tư ban đầu là 360 triệu đồng.

Từ những trại trồng nấm đã có của các thành viên, THT trồng nấm đã triển khai thử nghiệm mô hình trồng nấm bào ngư xám cho 3 thành viên với 10.000 bịch phôi giống, được thực hiện theo đúng kỹ thuật, từ thiết kế trại, chu kỳ thu hoạch, xử lý trại sau thu hoạch… Qua 6 tháng triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả và được THT nhân rộng. Hiện nay đã có 7 thành viên của THT triển khai trồng nấm với tổng diện tích 2.000m2, đang cho thu hoạch 400.000 bịch phôi giống. Cùng với việc triển khai trồng nấm bào ngư xám, THT cũng triển khai mô hình trồng nấm linh chi; hiện hầu hết các thành viên của THT đều nuôi trồng với hơn 80.000 bịch phôi nấm.

Đánh giá về mô hình sản xuất này, ông Huỳnh Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng, cho rằng trong thời gian qua, bà con nông dân không chỉ ở xã Tân Hưng mà ở các địa phương khác còn gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình THT trồng nấm của xã Tân Hưng đã phát huy hiệu quả, người nông dân đã liên kết, hợp tác với nhau nuôi trồng nấm từ khâu cung cấp phôi nấm cho đến tiêu thụ, qua đó nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Thu nhập ổn định

Với việc triển khai trồng nấm bào ngư xám theo quy trình thu hoạch cuốn chiếu, đóng nắp bịch phôi nấm 7 ngày, sau đó mở nắp cho nấm phát triển của THT trồng nấm xã Tân Hưng đã giúp nâng cao năng suất nấm trên mỗi bịch phôi và hạn chế được dịch bệnh. Hiện với 400.000 bịch phôi giống, mỗi ngày THT thu hoạch từ 800 - 1.000kg. Anh Quyết cho biết với quy mô trại 200m2 sẽ sử dụng khoảng 30.000 bịch phôi, chu kỳ thu hoạch trung bình 4 tháng/đợt, mỗi bịch phôi cho thu hoạch từ 7 - 10 lần, 1 lần thu hoạch trung bình 100kg. Nếu giá nấm trên thị trường ổn định, sau khi trừ chi phí người trồng nấm sẽ thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng/đợt thu hoạch. Bên cạnh đó, từ mô hình trồng nấm linh chi, mỗi đợt thu hoạch (trung bình 5 tháng) các thành viên THT có trung bình 500kg; với giá thu mua hiện nay là 420.000 đồng/kg đem lại thu nhập cho mỗi thành viên từ 20 - 25 triệu đồng/đợt.

Trong năm 2016, tổng doanh thu của THT trồng nấm xã Tân Hưng đạt 1,582 tỷ đồng, lợi nhuận của mỗi thành viên trung bình hơn 56,5 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm của THT được các đại lý tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) đến thu mua tận nơi.

Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân trong xã phát triển sản xuất, ông Lâm cho biết ngoài việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, Hội Nông dân huyện đã đề xuất lên UBND huyện, Hội Nông dân tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh để triển khai các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân đầu tư sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có trồng nấm.

HOÀNG PHẠM

 

 

Từ khóa: