Tổ hợp tác chăn nuôi heo Phước Sang: Đưa sản phẩm VietGap đến người tiêu dùng

Thứ hai, ngày 30/10/2017

Xuất phát từ đề xuất của anh Đặng Hữu Đức, ngụ ấp Bến Cát, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo để giải cứu đàn heo do giá xuống thấp, tháng 3-2017, Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang đã được UBND xã Phước Sang ký quyết định thành lập. Sau gần 8 tháng hoạt động, tổ hợp tác đã đưa ra thị trường sản phẩm heo an toàn và đang hướng đến sản phẩm thịt heo đạt chuẩn VietGap.

(BDO)

 Chăm sóc đàn heo tại Tổ hợp tác chăn nuôi heo Phước Sang. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

 Tổ hợp tác chăn nuôi heo xã Phước Sang hiện có 16 thành viên, gồm những người chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình tại xã Phước Sang và một số xã An Linh, An Bình… do anh Đức làm tổ trưởng. Tổ hợp tác có quy mô khoảng 700 heo nái, 5.000 - 7.000 heo thịt. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng các thành viên trong tổ đang nỗ lực sớm đưa ra thị trường sản phẩm thịt heo an toàn theo hướng VietGap.

Anh Đức cho biết, trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, trước tình hình giá heo trong nước xuống thấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi heo, được sự ủng hộ của lãnh đạo xã Phước Sang, anh đã vận động bạn bè là những người chăn nuôi heo nhỏ lẻ liên kết nhằm tạo mối thống nhất trong hoạt động chăn nuôi. Để sản phẩm thịt heo của các thành viên trong tổ tiêu thụ ổn định trên thị trường, anh đã đề xuất và được các thành viên chấp thuận thực hiện quy trình chăn nuôi heo bảo đảm an toàn, không có dư lượng thuốc kháng sinh trong con heo và sản phẩm thịt heo đến tay người tiêu dùng. Từ đó, quy trình chăn nuôi heo tại tổ được thực hiện khép kín hoàn toàn, từ khi heo con sinh ra cho đến khi xuất chuồng. Heo con từ khi sinh ra đến 20kg sẽ được cho ăn cám phù hợp nhằm tăng cường sức đề kháng; bắt đầu heo nặng từ 20kg trở đi sẽ được cho ăn thức ăn do chính người nuôi thực hiện pha trộn.

Việc cho heo ăn bằng cám do chính người nuôi pha trộn vừa bảo đảm theo công thức, chất lượng thức ăn, quan trọng hơn người nuôi kiểm soát được hoàn toàn dư lượng kháng sinh có trong thức ăn. Tiếp đó, khi con heo đạt 50kg sẽ được tách biệt ra một khu vực khác và được nuôi theo phương thức truyền thống là cho ăn bằng thức ăn thô hoàn toàn, gồm bột bắp, cám gạo, bột cá, không có bất kỳ chất kích thích tăng trưởng hay chất tạo nạc. Theo anh Đức, với việc cho heo ăn hoàn toàn thức ăn thô vào giai đoạn con heo đạt 50kg trở lên buộc người chăn nuôi phải kéo dài thêm thời gian nuôi từ 5,5 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng. Nhưng ngược lại, lúc này thịt heo đạt chất lượng rất cao, thịt săn chắc hơn vì toàn bộ mỡ thừa, nước tích tụ trong con heo sẽ được rút đi, các độc tố còn dư trong con heo sẽ được đào thải giúp thịt heo thơm, ngọt hơn. Điều quan trọng nữa là, trong quá trình cho ra sản phẩm thịt heo an toàn, nếu con heo nặng từ 45kg trở lên khi bị bệnh sẽ được tách ra khu vực riêng biệt; nếu con heo đến thời kỳ xuất chuồng mà bị bệnh phải chích thuốc thì phải sau ít nhất 45 ngày kể từ ngày ngưng chích thuốc mới được xuất chuồng.

Hiện nay, tổ hợp tác đã bố trí điểm bán thịt heo tại chợ Phước Sang và một số vùng lân cận. Anh Đức cho hay, sản phẩm thịt heo bán tại các điểm này luôn “cháy hàng”. Tới đây, tổ hợp tác sẽ mở thêm một số sạp bán sản phẩm thịt heo an toàn tại các xã Tân Hiệp, An Linh, An Thái… Anh Đức đã làm hồ sơ đăng ký thực hành chăn nuôi heo theo hướng VietGap gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, phấn đấu đến đầu năm 2018 sẽ được công nhận. Nếu được công nhận sản phẩm heo VietGap, Tổ hợp tác chăn nuôi heo Phước Sang sẽ bảo đảm cung cấp ra thị trường mỗi tháng 50 - 60 tấn thịt heo an toàn.

 HOÀI PHƯƠNG