Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Thứ sáu, ngày 11/03/2022

(BDO)  Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao… là những giải pháp đang được ngành nông nghiệp triển khai nhằm tạo sự bứt phá trong năm 2022.

 Mô hình trồng rau ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Rau sạch Gia đình cho giá trị kinh tế cao

 Phát triển công nghệ cao

Ngay từ đầu năm 2022, sản xuất nông nghiệp đón những tín hiệu đáng mừng. Thời tiết thuận lợi cho nông dân gieo trồng, chăm sóc cây trồng; giá các loại gia súc, gia cầm, thủy sản tương đối ổn định, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân tái đàn, đầu tư đẩy mạnh chăn nuôi.

Anh Lê Quốc Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Gia đình (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một), cho biết ngay từ đầu năm, HTX đã gieo cấy vụ Đông Xuân, chăm sóc rau màu. Với tổng diện tích gần 3ha theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng rau cung ứng ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn/ ngày, giá bán bình quân từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tất cả đều mang thương hiệu “Rau sạch Gia đình”. “HTX chủ động áp dụng các biện pháp trồng, chăm sóc theo VietGAP giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất có sự hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. HTX hiện đang cung cấp sản phẩm cho hơn 30 cửa hàng và trường học, hơn 15 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, anh Hải chia sẻ.

Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, trong đó khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Ngay từ đầu năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; quản lý vật tư đầu vào; triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên cây rau. Bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết thời gian qua, đơn vị đã triển khai thực hiện một số mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ trong nhà lưới kín. Mô hình được xây dựng với quy mô diện tích 1.000m2; thiết kế xây dựng nhà lưới kín có khả năng hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của điều kiện thời tiết và một số côn trùng xâm nhập. Mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ trong nhà lưới kín chỉ bón phân hữu cơ, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha vụ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, HTX trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện, toàn tỉnh có trên 580ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ đối với các loại cây trồng, gồm 250ha cây có múi, hơn 25ha cây rau và 258ha cây ăn quả khác. Nhiều mô hình kinh tế xanh điển hình được nhân rộng, mở ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng để tham gia thị trường xuất khẩu, ra biển lớn.

Đẩy mạnh cơ cấu lại

Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và cung cầu nông sản; giá nông sản có nhiều biến động; đứt gãy trong khâu sản xuất, cung ứng nông sản bị tồn cục bộ và tiêu thụ chậm... Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 đạt 17.743 tỷ đồng, tăng 2,01% so năm 2020. Tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5%. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia là 92,2%. Duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là đối với các xã đã được công nhận. Đến cuối năm 2021 có 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trong năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; phấn đấu có tối thiểu 20 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; triển khai xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên).

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2021 và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, Sở NN&PTNT đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2022 như: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM. Cùng với đó, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chuyển đổi số ngành NN&PTNT tỉnh. Mặt khác, đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ ứng dụng các hoạt động giao dịch thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Ngành nông nghiệp cần tiếp tục phát huy thành quả trong chương trình xây dựng NTM, hướng tới NTM nâng cao, kiểu mẫu theo kế hoạch đề ra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh Bạch Đằng. Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng, chú trọng công tác thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp số.

 THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC