Tổ chức công đoàn: Tiếp tục đổi mới, tăng sức cạnh tranh
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Trong các nội dung về lao động, công đoàn (CĐ) được hiệp định đề cập thì CĐ Việt Nam không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động (NLĐ). Vì vậy, CĐ Việt Nam phải đổi mới, sáng tạo, tăng sức cạnh tranh để giữ chân và thu hút đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ).
(BDO)
Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, CĐ Việt Nam phải nâng cao khả năng cạnh tranh để giữ chân và thu hút ĐVCĐ. Trong ảnh: Hội nghị tổng kết hoạt động CĐ năm 2018 tại Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương. Ảnh: T.THẢO
Nâng cao khả năng cạnh tranh
Khi CPTPP có hiệu lực thì đối với tổ chức CĐ Việt Nam, thách thức lớn nhất là ở cấp cơ sở sẽ xuất hiện các tổ chức đại diện khác của NLĐ (hay còn gọi là đa CĐ). CĐ Việt Nam không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho NLĐ. Vấn đề cạnh tranh để giữ chân và thu hút ĐVCĐ là điều tất yếu sẽ xảy ra giữa CĐ Việt Nam và tổ chức đại diện khác của NLĐ. Việc phát triển ĐV và công đoàn cơ sở (CĐCS) sẽ gặp khó khăn. Nguồn lực bảo đảm cho hoạt động CĐ, nhất là nguồn tài chính bị chia sẻ và đương nhiên sẽ bị giảm sút. Môi trường hoạt động CĐ có thay đổi lớn do quan hệ lao động có diễn biến phức tạp...
Trước những thách thức này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết đây một cuộc cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng theo pháp luật khi CĐ Việt Nam có nhiều ưu thế. Tổ chức CĐ Việt Nam có bề dày truyền thống, được tổ chức thống nhất, rộng khắp ở 4 cấp. Có đội ngũ cán bộ CĐ hùng hậu. Những năm qua, CĐ đã có nhiều hoạt động mang lại lợi ích, bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Song, CĐ Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Đó là mô hình tổ chức còn bất cập; một bộ phận cán bộ CĐ còn nặng tư tưởng bao cấp, hành chính hóa, làm phong trào thuần túy, chậm thích ứng với tình hình mới… Hiệu quả hoạt động còn hạn chế ở nhiều CĐCS sẽ là những thách thức khi bước vào cuộc cạnh tranh. Vì vậy, việc đề ra những giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao tính cạnh tranh là điều mà các cấp CĐ phải bắt tay làm ngay.
Những giải pháp thiết thực
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng trước tiên là tập trung tuyên truyền về nội dung, thời cơ và thách thức của CPTPP đối với CĐ Việt Nam đến cán bộ, ĐVCĐ và NLĐ; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động để CĐ Việt Nam thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ, vì NLĐ.
Thời gian qua, tại Bình Dương, tổ chức CĐ các cấp trong tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đổi mới để phù hợp với tình hình mới. Các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho ĐVCĐ, NLĐ được các cấp CĐ tập trung thực hiện. Theo đó, hoạt động CĐ được đổi mới với nhiều nội dung, hoạt động thiết thực, như: Tích cực tham gia đóng góp, xây dựng các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến ĐVCĐ, NLĐ; triển khai thực hiện quy chế dân chủ và đối thoại tại nơi làm việc; tiến hành thương lượng, ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Các chương trình “Tết sum vầy”, “Chuyến xe xuân nghĩa tình”, “Tháng công nhân”, “Gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với CĐ và công nhân lao động”...
Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 1.528 bản TƯLĐTT đang có hiệu lực áp dụng tại các doanh nghiệp có CĐCS, đạt 58,8%. Năm 2018, các cấp CĐ đã tham gia thanh tra, kiểm tra 68 doanh nghiệp, tiếp và tư vấn pháp luật, trực tiếp, tư vấn qua điện thoại 4.647 cuộc cho 10.700 lượt NLĐ…
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết không bằng lòng trước những kết quả đã đạt được, năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức CĐ”. Nội dung của phong trào là đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện nhiệm vụ của từng cấp CĐ; xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh và phương pháp tiếp cận đoàn viên, NLĐ và truyền thông CĐ; sáng tạo trong việc xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình mới, cách làm mới, giải pháp mới; tạo hiệu quả trong thực hiện phong trào. Kết quả của phong trào thi đua và các hoạt động CĐ phải rõ sản phẩm, điển hình, có sức lan tỏa; kiên quyết không tổ chức các hoạt động mang tính hình thức, gây lãng phí, tốn kém. Đối tượng thực hiện phong trào là CĐCS, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, các ban, đơn vị trực thuộc LĐLĐ tỉnh và cán bộ CĐ các cấp và ĐVCĐ.
Bên cạnh đó, trên bình diện chung, CĐ Việt Nam cũng phải tiếp tục tập trung phát triển ĐVCĐ, thành lập CĐCS; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tư duy sáng tạo; hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp có bản lĩnh, tâm huyết, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp; gắn bó, sâu sát với cơ sở; có năng lực tư vấn, thuyết phục, đối thoại, thương lượng và bảo vệ NLĐ. Với tất cả nỗ lực trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, CĐ Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, tận dụng tốt cơ hội để làm mới mình nhờ gia nhập CPTPP; từ đó làm tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ĐVCĐ và NLĐ.
CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, bởi không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm công, doanh nghiệp Nhà nước, xóa đói, giảm nghèo. Trong lĩnh vực lao động, CĐ, Hiệp định CPTPP đề cập đến các nội dung cơ bản (có liên quan đến Việt Nam) gồm: Thực hiện tất cả các tiêu chuẩn lao động quốc tế; thời gian không áp dụng trừng phạt thương mại là 5 năm kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với việc thành lập tổ chức của NLĐ tại cơ sở (ngoài tổ chức CĐ Việt Nam), thời gian không trừng phạt thương mại là 7 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với nghĩa vụ cho phép các tổ chức của NLĐ tại cơ sở được phép liên kết với nhau. Ngoài ra, còn có các vấn đề như đàm phán thỏa thuận lao động tập thể, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu…
THU THẢO