Tổ ấm giữa ngàn khơi

Thứ năm, ngày 15/01/2015

Có những đôi vợ chồng trẻ tình nguyện ra đảo, bám đảo xây dựng tổ ấm ngay giữa ngàn khơi. Họ chính là những cột mốc chủ quyền sống, nối tiếp truyền thống ngàn đời của người dân Việt Nam: Luôn vươn ra biển lớn.

(BDO)

Cán bộ, chiến sĩ chào cờ và đọc 10 lời thề đanh thép của hải quân
trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: K.VINH

Hạnh phúc nơi đầu sóng

Hôm chúng tôi đến Song Tử Tây là một ngày giông bão trùng trùng. Giữa biển khơi, đảo Song Tử Tây kiên cường đứng vững, hứng chịu từng cơn mưa nặng hạt, gió rít. Đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 bảo vệ Trường Sa nhìn bầu trời đang mưa, trầm ngâm: “Bà con kiên gan bám đảo, giữ đảo cùng với bộ đội rất đáng khâm phục. Nhiều năm nay họ ra đảo tạo dựng hạnh phúc, sống kham khổ cùng lính đảo, khó khăn nhưng chưa thấy ai nản chí, sờn lòng”.

Bữa cơm ấm cúng của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thành Trung-Trương Thị Thanh Xuân ở Trường Sa. Ảnh: K.VINH

Theo sự chỉ dẫn của lãnh đạo xã đảo Song Tử Tây, chúng tôi men theo con đường bê tông nhỏ tìm đến từng tổ ấm hạnh phúc trên đảo tiền tiêu. Biết có tàu ra đảo, bà con vui lắm! Vui vì có thêm lương thực, thực phẩm cải thiện bữa ăn cho các cháu nhỏ thì ít mà vui vì hơi ấm tình người thì nhiều. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đoàn Duy Kiệt vào lúc nhá nhem tối, ngôi nhà nhỏ ấm cúng của anh rộn vang tiếng cười trẻ thơ và đầy ắp niềm vui sau một ngày dài lao động vất vả.

Cùng nhau xây dựng tổ ấm ở Trường Sa cũng là góp phần giữ gìn chủ quyền
Tổ quốc. Ảnh: K.VINH

Ngoài những mái ấm của các gia đình đang sinh sống tại đảo, còn có những “mái ấm” khác dành riêng cho các cặp vợ chồng quân nhân gặp nhau vào mùa biển lặng tháng 4 hàng năm. Nhiều người vợ trẻ vượt sóng từ đất liền ra thăm chồng đã được ở trong tổ ấm ấy...

Năm 2011, trong một chuyến đi thăm nhà người chị họ, chị Phạm Thị Bích Nguyệt, quê Phù Cát, Bình Định, đã gặp và se duyên cùng anh Đoàn Duy Kiệt. Hạnh phúc ấy được đánh dấu đặc biệt với sự ra đời của bé Đoàn Duy Huân. Con trai đầu được 2 tuổi, sẵn lúc nghe tin qua đài truyền thanh xã về việc ra Trường Sa, anh chị quyết định viết đơn tình nguyện ra ở đảo Song Tử Tây, tiếp tục xây dựng mái ấm của cuộc đời. Hạnh phúc giản dị của họ tiếp tục được đơm hoa, kết trái khi bé gái Đoàn Phú Quy Sa được sinh ra ngay chính trên đảo Song Tử Tây.

Chị Nguyệt nhớ lại: “Lúc viết đơn tình nguyện ra đảo, bạn bè và gia đình can ngăn chúng tôi rất nhiều, bởi khi đó cháu Huân chỉ mới 2 tuổi, bản thân tôi lại mới mang bầu được 2 tháng. Ngày chia tay ở cầu cảng, người thân khóc rất nhiều, cứ nghĩ đến hoàn cảnh chúng tôi ra đầu sóng ngọn gió mọi người đều ái ngại”. Nhưng cái khó khăn, gian khổ ở nơi đảo xa không hề làm ảnh hưởng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ mà trái lại, điều đó còn giúp họ thêm thương yêu nhau hơn ở Trường Sa.

Mái ấm nhỏ giữa ngàn khơi của anh Nguyễn Thành Trung và chị Trương Thị Thanh Xuân cũng được vun vén trong một điều kiện đặc biệt như thế. Cưới nhau được 1 năm, họ cùng nhau ký tên vào đơn tình nguyện xin ra Trường Sa sinh sống. Giữa ngàn trùng sóng vỗ, đôi vợ chồng trẻ ngày đêm tăng gia sản xuất, vun đắp hạnh phúc lứa đôi. Anh Trung cho biết: “Xây dựng hạnh phúc trên đảo cũng có cái hay. Vợ chồng giận nhau chỉ im lặng được vài phút rồi lại thương nhau thôi! Ở đây chỉ có hàng xóm và bộ đội, mênh mông trời biển có nơi nào yên ấm hơn ngôi nhà của mình đâu. Đã cùng nhau ra đảo sống, vợ chồng phải vì nhau mà cùng tạo dựng niềm vui, hạnh phúc”.

Mái ấm giữ chủ quyền

Ở đảo điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên các gia đình cũng phải nhường nhịn, yêu thương nhau để cùng sinh sống. Những chuyến tàu vào đảo mang theo lương thực, thực phẩm cũng là lúc bà con chia nhau từng quả ớt, trái cà, cân gạo… Vì thế mà tình làng, nghĩa xóm nơi đây thật sâu đậm và thiêng liêng. Anh Đoàn Duy Kiệt tâm tình: “Chúng tôi không chỉ là hàng xóm mà còn là bạn bè thân thiết của nhau. Đàn ông cùng nhau đi đánh bắt cá, còn phụ nữ phải luôn giúp đỡ nhau khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Chính vì thế, không có chuyện hàng xóm láng giềng của nhau trên đảo hục hặc hay to tiếng với nhau”.

Những ngày lưu lại trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi xúc động chứng kiến nhiều cảnh gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân và dân trên đảo. Không chỉ tăng gia sản xuất bằng cách liên kết nhau đi biển đánh bắt cá, họ còn cùng nhau chăn nuôi, trồng rau cải thiện bữa ăn. Nhân dân trên đảo thuộc tên từng cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, nhớ cả quê quán của nhau. Bộ đội luôn có mặt khi các hộ dân có việc cần lúc tối lửa tắt đèn. Khi đánh bắt được nhiều cá, ốc các hộ dân lại chia bớt cho bộ đội trên đảo cải thiện bữa ăn. Tình quân dân vì thế trở nên bền chặt, như môi với răng trên đảo tiền tiêu, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trên đảo xa, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Chỉ huy trưởng, Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây, tâm sự với chúng tôi: “Việc các hộ dân xung phong ra xây tổ ấm ở Trường Sa có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Dân ra ở đảo không chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần cho anh em bộ đội mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, xã hội. Chính vì thế chúng tôi rất vui mừng khi các gia đình sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc viên mãn, tràn đầy tại Trường Sa”

LÝ KHÁNH VINH