Tình yêu sắt son với biển, đảo quê hương
(BDO)
Một cảnh trong tiểu phẩm “Tầm nhìn chiến lược”
Mở đầu chương trình là những luận cứ sắc bén: Những bức họa đồ (An Nam đại quốc họa đồ, Đại Nam nhất thống toàn đồ) và bộ sách Đại Nam nhất thống chí của thời nhà Nguyễn nói về Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam, hòa vào đó là những lời nói hùng hồn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Sự khẳng định còn được nâng lên bởi những khúc tráng ca về biển, đảo trong bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của Quỳnh Hợp: “Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa…”. Chương trình “Đây biển Việt Nam” đã nhanh chóng chạm vào trái tim của đông đảo khán giả tại hội thi. Để rồi, “Tôi muốn ôm ghì bãi san hô/ Vang vọng về con sóng Bạch Đằng giang/ Một màu xanh sinh tồn song tử/ Đẹp dịu dàng tiên nữ An Bang…” (trích trong bài “Bâng khuâng Trường Sa” do ca sĩ Mai Phương thể hiện). Với cách thể hiện sân khấu hóa rất sinh động, chương trình đã góp phần vun đắp tình yêu, niềm tự hào dân tộc của những người con Việt Nam luôn hướng về biển, đảo quê hương.
Theo các tuyên truyền viên Đội Tuyên truyền lưu động Sở Thông tin - Truyền thông, trong tiềm thức của người Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xem là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, do cha ông chúng ta đã khai phá, gìn giữ, xác lập nên chủ quyền và giao lại cho chúng ta. Vì thế, thế hệ ngày nay cần phải có trách nhiệm tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy, giữ gìn nguyên vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh chương trình sân khấu hóa hoành tráng, chương trình còn mang đến hội thi những câu chuyện về niềm phấn khởi của người dân vùng duyên hải khi địa phương đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) qua tiểu phẩm “Tầm nhìn chiến lược” do Trung Hậu làm tác giả, đạo diễn. Qua câu chuyện của các nhân vật: Tư Biển, Bảy Chài, Tám Lưới, Năm Đảo và những chàng trai, cô gái ở vùng duyên hải, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong những năm tới của Việt Nam là một chiến lược có tầm nhìn và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Bằng cách theo dõi thông tin qua các trang mạng chính thống, các nhân vật trong tiểu phẩm đã phân tích những cách làm rất tài tình của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII)… Bên cạnh đó, các nhân vật cũng thể hiện sự phấn khởi khi Nhà nước đã thực thi các chế độ, chính sách đầu tư lo cho dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đạo diễn Trung Hậu, tuy Bình Dương không có biển nhưng trong những năm qua, các hoạt động hướng về biên giới, biển đảo được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện thường xuyên. Bên cạnh các chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật, Bình Dương còn có nhiều hoạt động ý nghĩa…
Hy vọng, “Đây biển Việt Nam” sẽ là một chương trình góp thêm vào các hoạt động của Bình Dương khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với quê hương đất nước của các tầng lớp nhân dân và cung cấp đến mọi người những thông tin bổ ích về chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong những năm tới đây.
Hội thi tìm hiểu về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam năm 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, có 14 Đội Tuyên truyền lưu động đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố lân cận tham gia. Đội Tuyên truyền lưu động Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương đã thi tài đầy ấn tượng và đoạt nhiều giải cao, như: Giải nhất thi Tuyên truyền lưu động, giải ba thi Trang trí xe tuyên truyền; giải ba Thi phát thanh viên; giải khuyến khích thi Triển lãm ảnh và xếp giải nhì toàn đoàn.
THỤC VĂN