Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến về dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(BDO) Sáng qua (14-5), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 34, khóa XI (mở rộng) để xem xét, cho ý kiến về báo cáo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là báo cáo được các ngành liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc trước khi trình Tỉnh ủy cho ý kiến.
Hoàn thiện các bước cuối cùng của dự thảo
Tại hội nghị, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình bày tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy về nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 và nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 462/QĐ-TTg ngày 7-4-2020, tỉnh đã lập khung định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua làm cơ sở lựa chọn tổ chức tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đại học quốc gia Hà Nội, Công ty Tư vấn quốc tế Roland Berger (Đức), các chuyên gia đến từ các viện chiến lược thuộc các bộ, ngành Trung ương để triển khai lập quy hoạch tỉnh. Tỉnh đã tổ chức 3 đợt hội thảo gồm: Hội thảo khởi động, hội thảo đầu kỳ và hội thảo giữa kỳ hoạch tỉnh.
Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo, đóng góp của Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cũng như các chuyên gia phản biện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng đơn vị tư vấn để hoàn thiện và phát triển báo cáo tổng hợp giữa kỳ thành báo cáo kỳ cuối với những nội dung mang tính cụ thể và những định hướng lớn trong phân bổ không gian lãnh thổ. Song song quá trình lấy ý kiến bằng văn bản, làm việc cụ thể với sở, ban, ngành và các địa phương, UBND tỉnh đã bố trí các buổi họp chuyên đề theo các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hạ tầng... (thuộc 37 nhiệm vụ quy hoạch và phương án quy hoạch tổng thể toàn tỉnh) với các sở ngành, địa phương và Tổng Công ty Becamex IDC để rà soát đánh giá các định hướng quy hoạch các giải pháp quy hoạch cụ thể gắn với các chương trình dự án ưu tiên đầu tư, làm cơ sở cho công tác triển khai thực hiện quy hoạch sau này.
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy về nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Trong thời gian tới, sau khi lấy ý kiến thống nhất hội đồng thẩm định; thông qua UBND tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố quy hoạch. Để thuận lợi cho các công việc tiếp theo, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh kiến nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa các ý kiến của hội đồng thẩm định quy hoạch để cơ quan lập quy hoạch tỉnh gửi hội đồng thẩm định rà soát nội dung chỉnh sửa; thống nhất nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh theo quy định pháp luật về quy hoạch.
Nhiều cách tiếp cận mới
Dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển; đó là liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, vùng TP.Hồ Chí Minh trở thành vùng phát triển văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phù hợp với các chiến lược phát triển của quốc gia, của vùng; đó là đổi mới hệ sinh thái phát triển theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của vùng, phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển; ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới tư duy phát triển, hình thành các trung tâm động lực, không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới; đồng thời phát triển văn hóa, con người Bình Dương là mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tập trung khẩn trương rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp cùng đồng lòng, quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành 100% các nhiệm vụ trong năm 2024; trong đó tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, đề ra mục tiêu đến hết quý II-2024 phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 35% để bù lại cho quý I; kiên quyết cắt, giảm các dự án không có khả năng giải ngân, huy động tối đa các nguồn vốn, đặc biệt rút kinh nghiệm từ năm 2023 phải khẩn trương hoàn thành và phát huy hiệu quả đề án khai thác quỹ đất để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh... |
Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải lấy con người làm trung tâm, nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tạo môi trường sống tốt để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thông minh, xanh… để mở rộng không gian phát triển, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; khai thác hiệu quả không gian trên cao, không gian ngầm, không gian sinh thái, không gian số, không gian văn hóa; đẩy mạnh hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn với các hành lang giao thông kết nối liên vùng; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với phát triển xanh và net zero carbon; giải quyết các vấn đề quá tải hạ tầng, ách tắc giao thông, ngập úng đô thị, ô nhiễm môi trường. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhấn mạnh việc lập quy hoạch tỉnh lần này có nhiều điểm mới, cách tiếp cận mới, tư duy mới về phương pháp và nội dung lập quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực; là cơ sở pháp lý quan trọng để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh trong thời gian qua; từ đó định hình không gian phát triển mới, định hướng phát triển cho các ngành, lĩnh vực được đồng bộ trong bản đồ án quy hoạch tỉnh gắn với tổng thể chung của quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.
“Quy hoạch lần này là nền tảng cơ bản mang tính chiến lược có tính động và tính mở. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy cũng cần phải có tính chiến lược, tránh tư duy nhiệm kỳ...”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
TRÍ DŨNG