Tỉnh Thủ Dầu Một 120 năm
(BDO) Đó chính là nội dung của hội thảo khoa học do trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ vừa tổ chức. Hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Thủ Dầu Một chính thức trở thành tên gọi của một tỉnh ở miền Đông Nam bộ; đồng thời cũng là kế hoạch trong chương trình nghiên cứu toàn diện về Bình Dương và miền Đông Nam bộ của trường ĐH Thủ Dầu Một.
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp hình lưu niệm
Quy tụ nhiều nhà khoa học
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường ĐH, viện trong cả nước. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một, cho biết trường ĐH Thủ Dầu Một đang triển khai nghiên cứu biên soạn bộ sách lịch sử tỉnh Bình Dương từ khởi thủy đến nay gồm 5 tập. Trong đó, tập 1 đã hoàn thành và xuất bản năm 2019. Các tập tiếp theo sẽ hoàn thành và xuất bản trong năm 2021. Hội thảo này sẽ phục vụ thực hiện bộ sách lịch sử tỉnh Bình Dương, đồng thời góp phần phát hiện, chọn lọc, nêu cao các giá trị truyền thống, văn hóa của Thủ Dầu Một trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương hiện nay. Chính vì thế, hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều nhà khoa học từ các trường ĐH và cơ quan nghiên cứu. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận 42 báo cáo tham luận, đề cập đến nhiều chủ đề từ quá trình hình thành, phát triển và đặc điểm vùng đất, con người, những nét đặc sắc về kinh tế, văn hóa của Thủ Dầu Một xưa và Bình Dương ngày nay.
Phục vụ cho hội thảo, các bài tham luận đã được Ban Tổ chức biên tập thành kỷ yếu với hơn 550 trang. Đây là bộ tài liệu vô cùng quý báu đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Bình Dương và miền Đông Nam bộ. Các tham luận được chia thành 4 nhóm chuyên đề: Nhóm thứ nhất tập trung vào các đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc; nhóm thứ hai tập trung vào lịch sử và ý nghĩa của địa danh Thủ Dầu Một; nhóm thứ ba quan tâm đến văn hóa và con người vùng đất Bình An - Thủ Dầu Một - Bình Dương; nhóm chuyên sâu về tiềm năng và hiện trạng phát triển kinh tế, về phát triển đô thị, đời sống xã hội đô thị và về đô thị thông minh.
Nhiều thông tin quý giá
Trong khuôn khổ hội thảo, có 7 báo cáo tiêu biểu đã được Ban Tổ chức lựa chọn trình bày, làm cơ sở cho các trao đổi chuyên sâu của các học giả tham dự. Qua nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Văn Giác, trường ĐH Thủ Dầu Một đã có những luận cứ về lịch sử địa danh Thủ Dầu Một: Những kiến giải mới. Theo tiến sĩ Giác, địa danh Thủ Dầu Một với tính cách đơn vị hành chính cấp tỉnh đã tồn tại liên tục từ năm 1900 cho đến khi kết thúc thời kỳ Pháp trị. Thủ Dầu Một - thủ mà không gắn với nhân danh, một nhưng không phải hoàn toàn duy nhất, dị biệt hay đơn độc, như là cây dầu to duy nhất, rừng dầu tọa lạc trên ngọn đồi cao nhất, đồn binh đứng riêng một mình. “Địa danh vùng đất về sau được cấu tạo bởi một tổ hợp danh từ, tích hợp từ hệ đếm và theo xu hướng giản lược của phép tu từ, phản ánh sức mạnh nội sinh của cộng đồng người hiện hữu cũng như bao quát nguồn tài nguyên đặc dụng mà thiên nhiên hào phóng ban cho. Thủ Dầu Một từ đó trở thành truyền danh hiển thị vĩnh viễn trên căn cước của những công dân tự nguyện tận hiến cả sức lực, khối óc và con tim để vun đắp cho cuộc sống bình yên và xanh sáng nơi này”, tiến sĩ Giác cho biết.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Tiền, trường THPT Tân Phước Khánh đã lý giải, lúc đầu tên Dầu Một xuất hiện trước theo cách gọi dân gian của cư dân người Việt để chỉ một ngôi chợ (chợ Phú Cường) hay một thôn xóm tại vùng Phú Cường, cho đến khi đồn binh được lập thì chợ Dầu Một được gọi là chợ Thủ, sau đó kết hợp với tên gọi cũ, dân cư gọi là chợ Thủ Dầu Một. Đến năm 1869, người Pháp thấy địa danh Thủ Dầu Một nói lên được đặc điểm của địa phương, lại rất đỗi quen thuộc với cư dân nơi đây nên họ dùng đặt tên cho đơn vị hành chính đầu tiên là hạt Thủ Dầu Một, sau nâng lên thành tỉnh Thủ Dầu Một. Thủ Dầu Một trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã cho thấy đây là một vùng đất “hội tựu - khát vọng - lan tỏa”.
Đặc điểm dân cư Thủ Dầu Một - Bình Dương từ năm 1900 đến nay cũng được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp và tiến sĩ Trần Hạnh Minh Phương, trường ĐH Thủ Dầu Một chính là tác giả của nghiên cứu này. Theo hai tác giả, trong 120 năm, Thủ Dầu Một - Bình Dương trải qua nhiều sự kiện lịch sử và biến đổi về kinh tế có ảnh hưởng lớn đến quy mô dân số, phân bố dân cư, thành phần tộc người, đặc trưng văn hóa và phân tầng xã hội. Nghiên cứu cho thấy, kinh tế Thủ Dầu Một - Bình Dương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Từ nền kinh tế thuần nông vào đầu thế kỷ XX, đến nay đã trở thành tỉnh công nghiệp, là nơi thu hút nguồn lao động từ các tỉnh, thành trong nước và đầu tư nước ngoài nên dân số tăng cơ học cao; dân cư có khuynh hướng chuyển cư từ vùng nông thôn ra đô thị tăng theo thời gian; văn hóa Bình Dương không chỉ là văn hóa miền Thuận Quảng của buổi đầu khai phá mà là văn hóa đa tộc người, đa vùng miền và đa quốc gia...
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp đã đúc kết, chủ đề hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều nhà khoa học từ các trường ĐH và cơ quan nghiên cứu. Những nghiên cứu, phát hiện của các nhà khoa học không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin tư liệu về lịch sử Thủ Dầu Một mà còn là cơ sở quan trọng trong việc chọn lọc và nêu cao các giá trị truyền thống, văn hóa của địa phương, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trên cơ sở các báo cáo tham luận, Ban Tổ chức đã chọn lọc và in thành tài liệu phục vụ hội thảo. Sau hội thảo này, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến trao đổi, thảo luận, trường sẽ xuất bản thành sách để phát hành rộng rãi trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương: Với 42 tham luận của nhiều nhóm đề tài phong phú, sinh động, các tác giả của các tham luận đã bày ra trước các đại biểu tham gia hội thảo một bức tranh nhiều sắc màu sinh động của vùng đất và con người tỉnh Thủ Dầu Một sau 120 năm hình thành và phát triển với nhiều lần thay đổi địa danh, địa giới và sắc cờ của chế độ chính trị. Trải qua tất cả mọi biến đổi, lịch sử vùng đất, con người Thủ Dầu Một sau 120 năm vẫn ẩn chứa những hương vị nồng nàn và sắc màu tươi tắn của vị đất và tình người. Nổi lên trên nền của sắc màu và hương vị đó là những di sản của 120 năm tỉnh Thủ Dầu Một. Mọi di sản đều nên được trân quý nhưng cũng cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung và phát huy, để phát triển và tạo lập những di sản mới. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một: Tên gọi Thủ Dầu Một không chỉ là địa danh ghi dấu ấn lịch sử hàng trăm năm mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa và phát triển, một giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của tỉnh Bình Dương, của miền Đông Nam bộ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu quá trình phát triển của vùng đất, con người, quá trình phát triển và tổ chức, quản lý xã hội cũng như hoạt động trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa của các tầng lớp nhân dân Thủ Dầu Một sẽ góp phần quan trọng để đúc kết các bài học kinh nghiệm lịch sử phục vụ công cuộc xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng văn minh, giàu đẹp. |
HỒNG THÁI