Tình người thầy thuốc vùng xa
(BDO) “Những năm còn trẻ, tôi từng có thời gian gắn bó với người dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có gia đình bệnh nhân vẫn nhớ đến tôi vì tôi đã từng kịp thời cứu chữa cho con họ qua cơn bệnh nguy kịch. Đó cũng là khoảng thời gian giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều và luôn nhắc nhở tôi rằng, dù hoàn cảnh thế nào cũng phải làm việc hết mình, giữ vững y đức để xứng đáng với lòng tin của người dân dành cho người thầy thuốc…”, bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh từng chia sẻ với chúng tôi về sự trưởng thành trong nghề nghiệp, sự tôi luyện về y đức mà khoảng thời gian công tác ở cơ sở đã giúp ông có được.
Gắn bó với cơ sở
Một ngày làm việc của BS Trần Thị Hồng ở Trạm Y tế (TYT) xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng với công việc quen thuộc là khám chữa bệnh cho bệnh nhân, thực hiện những công tác chuyên môn ở trạm và kết thúc vào lúc 17 giờ chiều. Nghe thì có vẻ bình thường, nhưng không phải BS nào cũng đủ bản lĩnh để chọn một nơi còn nhiều thiếu thốn, khó khăn như TYT để gắn bó, phát triển nghề nghiệp. BS Hồng chia sẻ: “Ngay từ đầu tôi đã chọn ngành y để gắn bó. Đó không chỉ là ước mơ của tôi, là mong muốn của gia đình bởi sự hữu dụng của nó trong cuộc sống ngày nay mà còn vì cái khó khăn mà nó đem đến. Chính cái khó khăn đó giúp cho tôi có thêm động lực để phấn đấu học tập và khẳng định bản thân mình…”. Ngay từ đầu đã xác định rõ ràng như thế, nên năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Bình Dương, y sĩ Hồng về đầu quân ngay cho TYT xã Tân Thành. Vừa làm vừa học, y sĩ Hồng đã thi đậu vào trường Đại học Y dược Cần Thơ và được đơn vị, ngành y tế tạo điều kiện đi học tiếp 4 năm. Tháng 7-2018, tốt nghiệp đại học, BS Hồng lại trở về nơi mình sinh ra, lớn lên để công tác dù bên ngoài có biết bao lời mời gọi với mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc, phát triển chuyên môn cũng nhiều hơn.
BS Trần Thị Hồng, TYT xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên đang khám, tư vấn cho người dân
Một trong những lý do giúp BS Hồng quyết tâm chọn TYT để gắn bó còn bởi chị muốn đem kiến thức chuyên môn của mình đã học được để giúp người dân quê mình vốn còn nhiều thiếu thốn về điều kiện chăm sóc y tế. “Nhiều người đã hỏi tôi rằng, tại sao có bằng BS rồi lại không chọn cho mình một nơi làm việc có thể kiếm được thật nhiều tiền và nơi đó sẽ giúp bạn nâng cao tay nghề hơn. Đúng! Những nơi đó có thể giúp tôi nâng cao tay nghề, nhưng nếu ai cũng có ý nghĩ đó khi ra trường thì người dân những nơi vùng nông thôn sẽ như thế nào? Tôi luôn xác định và chọn về nơi mình sinh ra, lớn lên, nơi mà người dân còn thiếu thốn, khó khăn về mọi thứ, đặc biệt là khó khăn về y tế để gắn bó nghề nghiệp. Lúc đầu về nhận nhiệm vụ ở TYT, cũng gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ nhưng nhờ sự dìu dắt của các anh chị đồng nghiệp đi trước, sự yêu thương, quý mến của người dân địa phương đã giúp tôi sớm vượt qua những trở ngại ban đầu, có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ và gắn bó với nghề nhiều năm qua…”, BS Hồng bộc bạch.
Chọn cho mình một xã vùng xa để phát triển nghề nghiệp, BS Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng TYT thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng đã cương quyết từ chối nhiều lời mời của các đơn vị y tế tư nhân. Từ một y sĩ đa khoa, trong quá trình làm việc, BS Thắng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu học lên bác sĩ đa khoa (1999-2004), rồi học tiếp chuyên khoa I về y tế công cộng. BS Thắng chia sẻ, dù ở TYT điều kiện làm việc không được đầy đủ trang thiết bị hiện đại như những bệnh viện, thu nhập cũng thấp hơn rất nhiều nhưng anh vẫn chọn nơi đây để công tác là bởi sự ổn định và muốn đem kiến thức mình học được ra giúp bà con. 25 năm trong nghề, phần lớn thời gian công tác của BS Thắng là ở TYT. Từ nhân viên Bệnh viện Bến Cát (lúc chưa chia tách huyện), anh được điều về phụ trách chương trình y tế quốc gia TYT xã Lai Uyên. Sau đó, anh học lên đại học, ra trường về làm Trưởng TYT xã Cây Trường. Từ năm 2010 đến nay, anh là Trưởng TYT thị trấn Lai Uyên. Ở TYT, dù điều kiện để phát triển chuyên môn còn hạn chế, tay nghề khó nâng cao nhưng được gần dân, giúp dân trong những lúc cần thiết nhất làm anh cảm thấy công việc của mình rất ý nghĩa. TYT là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng xa, bằng kiến thức của mình, BS Thắng đã giúp được nhiều người dân trong việc sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như giúp bà con địa phương phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Niềm vui nghề nghiệp
Nhiều năm qua, BS Bùi Thị Thủy, nhân viên phòng khám Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng cứ đều đặn một tuần 2 ngày xuống hỗ trợ cho TYT xã Long Nguyên. Chị Thủy là một trong những BS trong chương trình tăng cường đưa BS về hỗ trợ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến y tế xã mà ngành y tế đã thực hiện trong thời gian qua. TYT xã Long Nguyên cách Trung tâm Y tế huyện khoảng 20km, với những bệnh thông thường, người dân thường chọn TYT để khám chữa bệnh vừa tiết kiệm chi phí, vừa không tốn nhiều thời gian đi lại. Thế nên, những ngày có BS xuống hỗ trợ cho TYT, bà con cũng đến thăm khám bệnh tình đông hơn. Trung bình mỗi ngày ở TYT, BS Thủy khám cho khoảng 50 lượt người, từ những bệnh thông thường đến những bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường... “Người dân ở đây hiền lành, dễ mến, mỗi khi mình về đây khám họ quý mình lắm. Chính tình cảm yêu quý của bà con đã khích lệ mình phải luôn cố gắng trong công việc để xứng đáng với niềm tin của bà con”, BS Thủy nói.
Chia sẻ về niềm vui nghề nghiệp khi xuống hỗ trợ cơ sở, BS Thủy kể rằng, có một kỷ niệm mà đến bây giờ mỗi khi nhớ chị lại càng thấy yêu hơn cái nghề mà mình đã chọn. Chị kể: “Một lần, khoảng 3 giờ sáng, có một sản phụ sắp sinh được đưa đến TYT. Sản phụ này là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh con lần thứ 5 - 6 gì đó và bị sinh non. Đứa bé sinh ra bị ngợp, tưởng chừng không qua khỏi, nhưng mình với chị trưởng trạm cứ động viên nhau “còn nước còn tát” nên đã cố gắng hết sức mình trong chuyên môn. Cuối cùng, đứa bé cũng hồng hào trở lại, hai chị em nhanh chóng gọi xe cấp cứu của Trung tâm Y tế TX.Bến Cát đến chuyển viện liền. Sau đó không lâu, gia đình đến trạm bày tỏ sự cảm ơn đối với BS và mình đã tư vấn, khuyên 2 vợ chồng ấy nên đi triệt sản để có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn. Mỗi khi giúp được người dân việc gì đó bằng chính nghề nghiệp mà mình đã chọn, mình cảm thấy vui và càng yêu nghề hơn, yêu người dân nơi đây nhiều hơn…”. Có lẽ, chính những niềm vui nghề nghiệp tưởng như đơn giản ấy lại là cái duyên kết nối chị gắn bó với vùng quê này ngày càng bền chặt hơn. Từ ngày 1-10 năm nay, BS Thủy không phải đi đi về về 1 tuần 2 ngày nữa, mà được điều động về “đóng chốt” luôn ở đây, với chức vụ Trưởng TYT xã Long Nguyên.
Được sống và làm việc ngay tại quê hương, giúp bà con quê mình bằng kiến thức mà mình đã học được, nên với BS Trần Thị Hồng thời gian công tác ở TYT đã để lại trong lòng chị rất nhiều kỷ niệm khó quên. “Tôi còn nhớ mãi một ca trực vào khoảng nửa đêm, có trường hợp bệnh nhi đến khám trong tình trạng đau bụng nhiều. Đặc biệt, bệnh nhân này bị bại não nên rất khó để khai thác thông tin triệu chứng, mà TYT thì không có siêu âm để kiểm tra cho bé. Với trường hợp này, cách duy nhất là thăm khám cho bé. Bằng kiến thức đã được học ở trường, tôi hỏi người chăm sóc bé thường xuyên nhất để nắm thông tin và khám bụng để loại trừ các bệnh khác có triệu chứng giống như vậy. Sau khi thăm khám, tôi cho bé sử dụng thuốc và bé đã đỡ đau hơn rất nhiều. Nhìn bé tươi cười trở lại sau đó không lâu, tôi mới hết lo lắng và thấy việc làm của mình thật sự có ích đối với bà con ở những vùng nông thôn như thế này...”.
Chia tay những BS ở tuyến xã, tự nhiên tôi nhớ đến câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”. Trong khi nhiều BS, kể cả đang công tác tại những bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh có điều kiện làm việc, phát triển chuyên môn nhiều hơn nhưng cũng đành “dứt áo ra đi” để “đầu quân” cho các bệnh viện tư nhân thì nhiều BS tuyến xã trên địa bàn tỉnh vẫn chọn TYT tuyến xã để làm việc, gắn bó lâu dài. Vâng, thật đáng quý biết bao cái tình của những người thầy thuốc ở những xã nông thôn như thế này.
Bây giờ, nhiều BS cũng chọn những địa phương vùng nông thôn như các BS mà báo Bình Dương đã nêu để gắn bó, dù nơi đó điều kiện làm việc vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và bên ngoài thì đầy rẫy những lời mời gọi của các đơn vị y tế tư nhân với mức lương cao hơn nhiều lần…
HỒNG THUẬN