Tình hình trẻ bệnh tay - chân - miệng đang có chiều hướng gia tăng
Trước tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM) ở Bình Dương đang còn ở giai đoạn cao điểm và diễn biến phức tạp, dự báo sẽ tăng mạnh vào những tháng tới đang là mối đe dọa khi các trường mầm non bước vào thềm năm học mới. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã khảo sát tình hình công tác khám, chữa bệnh TCM tại BVĐK tỉnh và làm việc với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Phòng Y tế các huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh.
Một trường hợp bị mắc bệnh TCM đang được điều trị tại BVĐK tỉnh
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có 757 trường hợp mắc bệnh TCM, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, tăng 3 lần so với cùng kỳ (757/206). Đặc biệt từ tháng 5 đến nay, tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, có những ngày lên đến 44 trẻ em bệnh TCM nằm điều trị nội trú tại khoa nhi. Theo đánh giá của bệnh viện, trường hợp mắc bệnh TCM trong tuần qua có giảm so với tuần trước, nhưng không vì vậy mà chủ quan với tình hình dịch bệnh TCM đang diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc TCM tại 52 địa phương, trong đó có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố, hiện tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Tại Bình Dương, tính đến ngày 15-8, bệnh đã xảy ra ở 7 huyện, thị xã với 1.347 trường hợp mắc TCM, cao gấp 3,4 lần so với cùng kỳ (1.347/399), trong đó có 8 ca tử vong (TX.Dĩ An 3 ca, Bến Cát 3 ca, Tân Uyên 1 ca và TX.TDM 1 ca).
Hàng năm, đỉnh điểm TCM thường từ tháng 9 đến tháng 11, nhưng hiện nay dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức độ cao, nên có nguy cơ sẽ tăng trong thời gian tới gây khó khăn trong việc điều trị. Do số lượng bệnh ngày càng gia tăng gây tình trạng quá tải về cơ sở vật chất, về vật tư trang thiết bị phục vụ người bệnh. Tuy thời gian đầu số lượng thuốc Immunoglobulin 2,5g chưa đủ đáp ứng điều trị, nhưng đến nay thì thuốc đã bảo đảm đáp ứng nhu cầu. Trong thời gian tới, BVĐK tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo đảm cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh; bố trí sắp xếp hợp lý sẵn sàng thu dung điều trị dịch bệnh TCM trong đợt cao điểm từ tháng 9 đến tháng 11.
Đại diện ngành y tế đã trình bày những thuận lợi khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị một số bệnh nguy hiểm như bệnh TCM, sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay. Trong cùng thời điểm lại có 2 loại bệnh do vi-rút (sốt xuất huyết và TCM) cùng phát triển, lan nhanh trên diện rộng và diễn biến phức tạp mà cả 2 bệnh chưa có vắc-xin và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác phòng, chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, bệnh TCM tản phát trong cộng đồng, chưa tập trung thành ổ dịch nên công tác phòng, chống dịch gặp hạn chế. Hiện nay bệnh TCM vẫn đang diễn biến phức tạp, số trẻ mắc bệnh đang có chiều hướng gia tăng, khả năng bệnh bùng phát thành dịch trong mùa tựu trường của trẻ mầm non, mẫu giáo sắp tới là đáng lo ngại.
Ngành y tế tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp giữa ngành y tế cùng các ban ngành, đoàn thể trong việc phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổ chức cho y, bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh được tập huấn cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nhạy bén trong chẩn đoán bệnh và tổ chức điều trị tích cực, đúng phác đồ để hạn chế tỷ lệ tử vong. Đồng thời, ngành y tế kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo phối hợp tốt với ngành y tế tuyên truyền và hướng dẫn vệ sinh môi trường lớp học, đồ chơi, giáo cụ, nhất là hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng để phòng lây bệnh TCM.
Bình Dương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các ngành, các cấp và đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã triển khai các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh TCM. Theo đó, UBND tỉnh, các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM ngay tại hộ gia đình, tại cộng đồng, đặc biệt là tại các nhà trẻ, mẫu giáo. Các địa phương khi phát hiện có ổ dịch phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị và áp dụng đồng bộ các biện pháp theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch, đặc biệt là việc hướng dẫn, giám sát các hộ gia đình tự thực hiện làm vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi của trẻ em. Hướng dẫn việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và trong các hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc chloramin B. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh trong chế biến đồ ăn, nước uống của trẻ.
Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống bệnh dịch TCM. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, đoàn thể tập trung làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh TCM, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh, tổ chức tốt phân loại bệnh nhân, để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong do TCM. Chỉ đạo y tế tuyến huyện, xã cần tăng cường vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp để huy động cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống dịch bệnh TCM.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành y tế và UBND các huyện, thị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ gia đình triển khai các biện pháp thiết thực để phòng bệnh TCM trong mùa tựu trường năm học 2011-2012.
Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với các ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị tăng cường công tác giáo dục truyền thông về phòng, chống dịch bệnh TCM để mọi người dân hiểu biết và nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và chủ động, tự giác thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả.
T.PHƯƠNG