Tình hình thu hút FDI: Vốn đăng ký giảm, vốn thực hiện vẫn tăng

Thứ sáu, ngày 17/08/2012

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) so với cùng kỳ có giảm về vốn đăng ký, nhưng vốn giải ngân vẫn tăng. Trong bức tranh chung thu hút FDI của cả nước, Bình Dương tiếp tục nổi lên như một điểm sáng.   Hoạt động sản xuất tại một nhà máy FDI ở Bình Dương    Ảnh: TRỊNH BÌNH

Vốn giải ngân tăng

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài tại Hội nghị giao ban đầu tư khu vực miền Nam vừa diễn ra sáng qua (16-8), tại Thành phố mới Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 5,4 tỷ USD, tăng 1,9% với cùng kỳ năm 2011. Cùng thời gian trên, cả nước có 452 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,76 tỷ USD, bằng 75,4% so với cùng kỳ năm trước; 123 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 1,62 tỷ USD, bằng 64,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 6 tháng đạt 6,38 tỷ USD, bằng 72,3% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 193 dự án đầu tư mới và 95 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm 4,02 tỷ USD. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,57 tỷ USD. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 207,7 triệu USD.

Lũy kế đến tháng 6-2012, cả nước có 13.893 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 204,3 tỷ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 7.853 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký 97,9 tỷ USD, chiếm 47,9% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản 381 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 49,3 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký. Còn lại là thuộc các lĩnh vực khác như xây dựng, dịch vụ lưu trú, ăn uống, phân phối điện, khí đốt và nước...

Trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản là nước dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,15 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; British Virgin Islands đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 484 triệu USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 480,8 triệu USD, chiếm 7,5%. Nếu phân chia theo vùng thì Đông Nam bộ là vùng thu hút vốn FDI nhiều nhất, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 3,46 tỷ USD, chiếm 54,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng đồng bằng sông Hồng với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 34,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Dự kiến vốn thực hiện của khu vực FDI năm 2012 tiếp tục duy trì ở mức 11 tỷ USD, bằng mức ước thực hiện năm 2011. Hoạt động thu hút FDI tiếp tục theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, có khả năng tạo ra các sản phẩm cạnh tranh cao; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, dự kiến vốn đăng ký năm nay sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2011, chỉ còn ở mức 15 tỷ USD.

7 tháng = 2,3 tỷ USD

Bình Dương hiện là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất kể cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, chiếm hơn 28% tổng vốn đầu tư. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2012, đã có 69 dự án đầu tư nước ngoài đầu tư mới và bổ sung vốn đầu tư với số vốn là 2,3 tỷ USD; 6 dự án của doanh nghiệp đầu tư trong nước với số vốn gần 4.071 tỷ đồng (khoảng 196 triệu USD). Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong những năm qua Bình Dương nổi lên là một địa phương năng động về phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài Bình Dương luôn đứng thứ hạng cao so với các địa phương khác trong nước.

Đạt được điều đó là nhờ Bình Dương luôn chú trọng đầu tư phát triển mạnh và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội, đặc biệt là giao thông - vận tải; cung ứng ngày càng tốt các dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, Bình Dương cũng đã chú trọng công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Từ những điều đó cho thấy, trong những năm qua, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến đầu tư và làm ăn sinh sống tại Bình Dương. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 2.100 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 17 tỷ USD và trên 12.800 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn gần 98.900 tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD). Đây là những con số hết sức quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

 

 

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng: “Chúng tôi đang nghiên cứu để có chính sách đầu tư hấp dẫn hơn...”

 Bên lề Hội nghị giao ban đầu tư khu vực miền Nam năm 2012, P.V Báo Bình Dương đã tranh

thủ phỏng vấn Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng về một số vấn đề xung quanh chính sách thu hút đầu tư và được cục trưởng cho biết đang nghiên cứu để có chính sách đầu tư hấp dẫn hơn...

- Cục trưởng đánh giá thế nào về tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2012?

- Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với tình hình đầu tư như hiện nay thì có nhiều dấu hiệu tốt để chúng ta có thêm niềm tin. Năm 2010 vốn đăng ký FDI là 20 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 10 tỷ USD; năm 2011 vốn đăng ký là 15,5 tỷ USD và vốn thực hiện 11 tỷ USD. Dự kiến năm nay thu hút đầu tư đạt khoảng 15 tỷ USD và vốn thực hiện đạt khoảng 10 -11 tỷ USD. Như vậy, mặc dù vốn đăng ký có giảm nhưng vốn thực hiện vẫn duy trì ở mức tốt. Vốn thực hiện là vốn thực chất, có tác động lên nền kinh tế, đó là dấu hiệu tốt.

Đặc biệt, trong cơ cấu vốn FDI thì tỷ lệ vốn tăng thêm của doanh nghiệp đã vào Việt Nam ngày một tăng. Đây là dấu hiệu tốt vì những nhà đầu tư khi đến đây rất hiểu Việt Nam, người ta mở rộng chứng tỏ Việt Nam có nhiều điều tin tưởng để đầu tư. Cho nên chúng tôi thấy cũng lạc quan, tin tưởng hơn vào tình hình thu hút FDI trong năm nay.

- Là địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước trong 7 tháng qua, Cục trưởng nhận xét thế nào về thu hút FDI của Bình Dương?

- Trong nhiều năm qua chúng tôi luôn tin tưởng Bình Dương trong lĩnh vực thu hút đầu tư và thực tế Bình Dương luôn đứng trong tốp đầu về thu hút đầu tư hàng năm. Bình Dương có cách làm bài bản nên đạt kết quả đáng khích lệ, phản ánh đúng thực tiễn. Trong 7 tháng đầu năm, cả nước thu hút hơn 8 tỷ USD vốn FDI thì riêng Bình Dương chiếm hơn 2,3 tỷ USD, bằng 25% của cả nước. Điều đó tiếp tục phản ánh cách làm của Bình Dương là tốt và tôi tin tưởng rằng, với cách làm này thì năm nay và cả những năm tiếp theo Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư, qua đó góp phần rất quan trọng cho đóng góp chung của nền kinh tế.

- Để tiếp tục thu hút FDI hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp gì để hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài?

- Nhằm thu hút đầu tư FDI hiệu quả, chúng tôi cùng các bộ, các ngành, các địa phương luôn gặp gỡ, trao đổi để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tìm ra phương hướng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các quốc gia nổi lên những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm. Hiện nay, chúng tôi cùng các bộ, các ngành đang nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư của các nước để có chính sách đủ sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Có như vậy chúng ta mới thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Chúng tôi đang nghiên cứu và sắp tới Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chương trình tổng kết 25 năm thu hút FDI. Trên cơ sở tổng kết này chúng ta sẽ có chính sách cụ thể, có điều chỉnh cụ thể, để trong thời gian tới có chính sách phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

- Xin cảm ơn Cục trưởng!

TRỊNH BÌNH (thực hiện)

 TRUNG ĐỒNG