Tình hình đăng ký hôn nhân có yếu tố nước ngoài có chuyển biến tích cực

Thứ sáu, ngày 01/04/2011

Việc giải quyết các hồ sơ đăng ký kết hôn trong thời gian qua được Sở Tư pháp thực hiện một cách nghiêm túc, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định, trên cơ sở thực hiện CT số 03/2005/CT-TTg ngày 25-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, NĐ số 68/2002/NĐ-CP ngày 10-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HN&GĐ về quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài và NĐ số 69/2006/NĐ-CP ngày 22-6-2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 68/2002/NĐ-CP.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp đối với những trường hợp xin đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và xin ghi chú việc kết hôn với người nước ngoài, nhất là người Hàn Quốc, Sở Tư pháp đều tiến hành phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của các bên, trước khi trình ký giấy chứng nhận kết hôn và tiến hành việc ghi chú kết hôn; nhằm tránh trường hợp kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, quan hệ hôn nhân không tự nguyện và không xuất phát trên cơ sở tình yêu chân chính. Từ năm 2005-2010, Sở Tư pháp đã tham mưu trình UBND tỉnh giải quyết 906 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó: năm 2005 là 167 trường hợp, năm 2006 là 163 trường hợp, năm 2007 là 176 trường hợp, năm 2008 là 144 trường hợp, năm 2009 là 139 trường hợp và năm 2010 là 117 trường hợp. Ngoài ra, trong 5 năm qua Sở Tư pháp đã trực tiếp thực hiện việc ghi chú kết hôn được 69 trường hợp. Đa số các bên kết hôn do sự giới thiệu của những người trong bà con, họ hàng, bạn bè đã kết hôn, đang định cư ở nước ngoài hoặc là do đi hợp tác lao động, công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam sau đó quen nhau rồi tiến tới hôn nhân, các bên có thời gian tìm hiểu và giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ chung. Đối với việc ghi chú kết hôn cùng người Hàn Quốc, từ năm 2005-2010 qua phỏng vấn, Sở Tư pháp đã từ chối ghi chú 11 trường hợp do không bảo đảm về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau.

Đối với hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp, trong năm 2006, Phòng PA 39 CA tỉnh và CA TX.TDM phát hiện 1 đường dây tuyển chọn phụ nữ Việt Nam để kết hôn với nước ngoài tại Nhà hàng Dream, TX.TDM. Tại đây, có 250 phụ nữ Việt Nam và 41 người Hàn Quốc gồm 28 nam, 13 nữ đang tiến hành hoạt động tuyển chọn. CA tỉnh đã tiến hành kiểm tra và làm việc với 41 người Hàn Quốc, kết quả 33/41 người khai nhận qua Việt Nam để tiến hành hoạt động tuyển chọn phụ nữ Việt Nam để kết hôn với người nước ngoài, 8 người còn lại không trình bày được mục đích qua Việt Nam, đối với những người này, CA tỉnh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; Năm 2008, CA tỉnh cũng đã phát hiện trường hợp của bà Phan Thị Thúy Kiều ngụ tại Tân Châu, tỉnh Tây Ninh mượn CMND của bà Lê Thị Kiều ngụ ở KP.5, TT.Dầu Tiếng (Dầu Tiếng) để xin làm hộ chiếu. Qua đó, CA tỉnh đã làm thủ tục đề nghị thu hồi giấy chứng nhận kết hôn; Ngoài ra, còn một số trường hợp người ở tỉnh Bạc Liêu nhập hộ khẩu vào tỉnh Bình Dương chưa được 1 tháng đã đăng ký kết hôn. Qua xác minh, CA tỉnh đã có văn bản gửi Sở Tư pháp xem xét, giải quyết!

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg và tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật HN&GĐ, NĐ số 68/2002/NĐ-CP và NĐ số 69/2006/NĐ-CP nên tình hình đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng kết hôn với người nước ngoài không nhiều và có chiều hướng giảm. Qua đó, đã góp phần hạn chế những quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài không lành mạnh, vi phạm nguyên tắc kết hôn tự nguyện, tiến bộ, vi phạm truyền thống văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

PHƯƠNG HÙNG