Tình đồng nghiệp - đồng chí và hy sinh cho quê hương

Thứ tư, ngày 03/05/2017

Mới đây, tình cờ khi chúng tôi đi tìm tư liệu viết bài về các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) đã nghe được một chuyện tình thật đẹp. Đẹp và đáng trân trọng bởi họ đã yêu thương, đã cùng chiến đấu cho quê hương đi đến thắng lợi cuối cùng…

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Mai Việt Ánh, là con út của  Mẹ VNAH Trần Thị Hạnh lần thứ 2 mới gặp ông và vợ ở nhà. Ngôi nhà ngang 3 gian nằm trong vườn cao su, cây ăn trái mát lành. Gian thờ đặt trang trọng ở nhà trên và khi ông Ánh kể về người thân của ông, chúng tôi không khỏi nể phục một gia đình có bề dày truyền thống cách mạng như thế!

Không giấu được nỗi tự hào, ông Mai Việt Ánh cho biết: gia đình ông có 14 liệt sĩ hiện được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Nhà ông có đến 3 Mẹ VNAH, đó là bà nội, mẹ và bác dâu của ông.  

Riêng với 2 đấng sinh thành của mình là Mẹ VNAH Trần Thị Hạnh và liệt sĩ Mai Văn Thiệt (thời chống Pháp) của ông Ánh, ông kể một câu chuyện tình yêu mà khi nghe, tôi đã bị cuốn hút ngay từ đầu. Ông tự hào khi kể về cha mẹ của mình. Họ là đồng nghiệp của nhau sau thành đồng chí và tình yêu đã gắn kết hai con người luôn biết hy sinh hạnh phúc riêng tư cho quê hương đất nước.

Ông Ánh kể: Ba tôi, tức ông Mai Văn Thiệt (tự là Ba Năng- cái tên này cũng theo ông suốt những năm tham gia kháng chiến) vốn là giáo sư Trường Huỳnh Khương Ninh (Sài Gòn bấy giờ). Trong lớp học của ông có cô học trò tên Trần Thị Lành rất xinh đẹp. Với suy nghĩ rằng, nếu em này có chị gái, chị của em cũng sẽ… đẹp và trạc tuổi với mình nên thầy giáo trẻ lân la làm quen. Và, ông biết được cô Lành có một người chị gái đẹp người, đẹp nết đang là giáo viên của trường nữ Gia Long (ngôi trường nổi tiếng Sài Gòn xưa). Trong một lần cô học trò Lành không thuộc bài, ông giáo Mai Văn Thiệt phạt bằng cách cố ý khẽ thước thật đau. Đúng như thầy giáo… dự tính, cô học trò bị đánh đòn đau trở về… “méc” chị gái. Thương em, cô chị Trần Thị Hạnh sang trường Huỳnh Khương Ninh mắng vốn đồng nghiệp! Ông giáo Mai Văn Thiệt tủm tỉm cười, xin lỗi rồi… xin làm quen! Họ cảm mến nhau từ đó và sau này trở thành người bạn đời, bạn chiến đấu cùng nhau.

“Hồi đó, ba mẹ tôi là trí thức, rất có uy tín với người dân nên ông bà vận động nhân dân theo cách mạng, tham gia Nông hội đỏ. Ba tôi từng làm cai quản đồn điền cao su Quản Lợi, rồi làm Bí thư Chi bộ xã Bình Hòa, Lái Thiêu, Thuận An. Sau bị lộ, ba tôi mới hoạt động bí mật. Mẹ tôi vẫn âm thầm tham gia cách mạng và được nhiều người bên nhà nội giúp đỡ vì cùng chí hướng”, ông Mai Việt Ánh tâm sự.

Cũng theo ông, sau trận đánh ngày 14-7-1947, bác ruột và ba của ông cùng  hy sinh một lúc để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình, mẹ ông đưa con về Sài Gòn hoạt động bí mật cùng cán bộ trong Hội Phụ nữ. Cho đến năm 1952, cả khu Bàn Cờ bị cháy, bị giặt bắt bớ, đánh đập, mẹ ông Ánh đưa con trở về Bình Dương sinh sống.

Mẹ ông  sau khi chồng hy sinh đã tiếp tục động viên con cái tham gia cách mạng. Tiếp nối truyền thống gia đình, anh Mai Việt Cường, con trai mẹ lại lên đường đánh giặc. Năm Mậu Thân - 1968, anh Mai Việt Cường hy sinh tại Bàu Chốp, Tân Uyên. Mẹ Trần Thị Hạnh lại biến đau thương thành hành động, cùng người thân của gia đình chồng (cũng là đồng chí của mẹ) để đền nợ nước, trả thù nhà.

Khi tôi xin phép ông Ánh đưa câu chuyện tình đẹp này lên chuyên mục Câu chuyện tình tôi của Báo Bình Dương Online, ông cười hiền: “Được thôi, tôi luôn tự hào về ba mẹ mình, về mọi điều!”

          Quỳnh Như