“Tình Bác sáng đời ta”
(BDO) Đây không chỉ là tên một ca khúc kinh điển mà còn là tiếng lòng của muôn triệu trái tim Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu. Bằng tình cảm thiêng liêng, các họa sĩ Bình Dương đã vẽ Bác như để báo công với Người về những thành quả đạt được của địa phương là nhờ “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Các em thiếu nhi trong MV “Thiếu nhi Bình Dương lớn lên cùng đất nước” được ghi hình tại Bảo tàng tỉnh
Có dịp đến Bảo tàng tỉnh tham quan, ấn tượng khiến nhiều người không thể quên là tượng Bác Hồ cao 2,3m, nặng 3,5 tấn được đúc bằng đồng đặt trang trọng ở phòng khánh tiết. Sau lưng tượng Bác là bức phù điêu đắp nổi cao 5m, dài 18m. Toàn bộ bức phù điêu nói lên quá trình lịch sử của người Bình Dương từ xưa đến nay. Ngắm nhìn say đắm tượng Bác với nhiều tâm đắc, cô giáo Nguyễn Thị Thủy (TX.Tân Uyên), cho biết tượng Bác được khắc họa chân thực thần thái, vóc dáng, phong cách của Người, làm toát lên vẻ đẹp tinh thần, nhân cách cao cả, thể hiện được tầm vóc của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Và hình ảnh các em học sinh đến Bảo tàng tỉnh tham quan quanh tượng Bác đã trở thành ý tưởng tạo nên tác phẩm tranh lụa “Làm theo Bác” của thạc sĩ Phạm Thị Hồng Xuyến, giáo viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Tác phẩm được Hồng Xuyến vẽ tỉ mỉ bằng những tình cảm ấm áp nên nhanh chóng chạm đến trái tim người xem. Năm 2018, tác phẩm đã được khen thưởng giải khuyến khích cuộc thi “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cũng với chủ đề này, họa sĩ Huỳnh Đức Hiếu, giáo viên khoa sơn mài trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đã đoạt giải nhì. Trong bức tranh sơn mài có tên “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sử dụng gam màu xanh, màu của sự nhiệt huyết, hòa bình và phát triển, Đức Hiếu đặt hình tượng Bác Hồ chiếm vị trí trung tâm bức tranh. Với lối vẽ đồng hiện đại và dựa theo phong cách của Bác, Đức Hiếu sử dụng các kỹ thuật vẽ để lồng ghép nhằm tạo sự kết nối giữa Bác với con người, non sông đất nước Việt Nam. Chẳng hạn như tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, hiện đại hóa… Đặc biệt là biểu tượng TP.Thủ Dầu Một, tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh như muốn gửi đến mọi người thông điệp về Bình Dương luôn noi theo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với chúng tôi về cảm xúc khi sáng tác tranh này, họa sĩ Huỳnh Đức Hiếu, cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được xem và nghe rất nhiều câu chuyện về Bác. Sự giản dị của Bác - một vị chủ tịch nhưng tấm lòng lại như người cha già của đất nước, làm cho tôi ấn tượng và cảm động. Vì vậy, trong quá trình xây dựng bố cục mất khá nhiều thời gian và những gì mình mô tả trong tranh cũng chính là điều mà mình đã cảm nhận và học được một phần nào từ Bác. Và tôi thật sự rất hạnh phúc khi tác phẩm được vinh danh, trao giải thưởng”.
Cũng với những tình cảm yêu thương, sự kính trọng, niềm đam mê sáng tác, tranh về Bác còn được thể hiện bằng bút sắc của thầy Trương Bửu Sinh. Với sở trường vẽ bằng bút sắc tác phẩm “Bác một cuộc đời lớn” đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem và đoạt giải khuyến khích năm 2013. Mới đây, giới mỹ thuật Bình Dương và công chúng yêu thích hội họa đã chia sẻ tích cực về tranh sơn dầu “Bác Hồ với thiếu nhi” của thầy Lý Khánh Thông. Hình ảnh Bác cùng các em thiếu nhi trò chuyện vừa giản dị, vừa yên bình, vừa nhắc nhở mỗi người về những lời Người đã dạy…
Theo các họa sĩ thuộc Chi hội Mỹ thuật Bình Dương, vẽ tranh về Bác “dễ mà không dễ”. Bởi hình ảnh Bác rất quen thuộc, vừa giản dị, vừa uyên bác, phải vẽ từ trái tim và bằng những tình cảm kính yêu vô vàn… để Bác luôn tỏa sáng và dễ chạm đến trái tim người xem, để mọi người noi theo và học tập.
THỤC VĂN