Tín hiệu vui từ cây tiêu
Bõ công chăm sóc
Tại thời điểm này, nhiều hộ nông dân ở Phú Giáo đang bước vào giai đoạn cuối kỳ thu hoạch tiêu. Trên các tuyến đường quê, những tấm bạt nhựa phơi tiêu bày la liệt hai bên đường. Mùi tiêu thơm nồng bốc lên khiến chúng tôi nhớ lại thời kỳ hoàng kim của cây tiêu. Đó là vào khoảng những năm 1998-2000. Khi đó tiêu có giá khoảng 120.000 đồng/kg và nhiều gia đình đã thực sự đổi đời nhờ cây tiêu. Tuy nhiên, do giá tiêu bất ngờ giảm sâu, có lúc xuống dưới 20.000 đồng/kg cộng với dịch bệnh hoành hành, khiến nhiều người “quay lưng” với cây tiêu. Nhiều vườn tiêu không được chăm sóc trở nên xơ xác. Số khác thì bị “khai tử” để dành chỗ cho cao su! Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác cũng như lựa chọn giống mà nhiều vườn tiêu tại An Bình luôn xanh tốt và cho năng suất cao
Dù vậy, một số nông dân nặng lòng với cây tiêu tại xã An Bình vẫn quyết tâm giữ vững vườn tiêu cho dù giá xuống thấp không đủ chi phí bỏ ra. Nhờ vậy mà chỉ sau một thời gian, An Bình đã trở thành “thủ phủ” của cây tiêu Bình Dương. Trong 3 năm gần đây, giá tiêu khô luôn duy trì ở mức trên 100.000/kg. Với giá bán như vậy, xem như cây tiêu đã đền đáp công sức của những người đã bõ công chăm sóc, gắn bó với loại cây này trong thời kỳ khó khăn nhất. Thấy được giá trị của cây tiêu và cách làm của nông dân An Bình, nhiều hộ nông dân các xã kề cận An Bình đã chọn trồng tiêu. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, phấn khởi cho biết tại An Bình hiện có khoảng 125 ha trồng tiêu. Bệnh chết nhanh trên cây tiêu, loại bệnh nguy hiểm nhất cũng đã được đẩy lùi. Hiện tại, trên địa bàn xã chỉ còn một số ít diện tích tiêu bị chết là do úng nước vì trồng trên đất thấp.
Còn ông Thân Trọng Tửu, một nông dân ngụ ấp Đồng Trâm, xã Phước Sang, thì cho hay lâu nay ông vẫn tin tưởng vào cây tiêu nên hơn 500 nọc tiêu của gia đình ông vẫn được chăm sóc tốt. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh và chịu khó chăm sóc mà vườn tiêu của ông luôn xanh tốt và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Diện tích cây tiêu đang “phình” ra
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân trong việc lựa chọn giống tiêu có năng suất cao, kháng bệnh tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập huấn cho bà con nông dân cách thâm canh cũng như phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây tiêu để cây tiêu phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân ”
(Ông NGUYỄN TRƯỜNG HẢI, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo)
Đi trên các tuyến đường quê của huyện Phú Giáo vào mùa này, người ta thường dễ dàng nhìn thấy những chiếc xe chở cây lồng mức dùng làm nọc sống để trồng tiêu bóp còi inh ỏi để cảnh báo người ta nhường đường. Nông dân tại các xã Vĩnh Hòa, Tân Hiệp, An Bình… đang tận dụng những ngày nắng nóng để làm đất, vun bồn, trồng nọc sống chuẩn bị xuống giống tiêu khi mưa xuống. Tuy không xuất hiện phong trào trồng tiêu tràn lan như những năm 1998-2000, nhưng theo ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, thì diện tích cây tiêu ở An Bình đã tăng thêm khoảng 6 ha và đang có dấu hiệu “phình” ra do một số hộ đang chuẩn bị chuyển đổi, cải tạo vườn cây. Trước tình hình này, Hội Nông dân xã cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về việc chọn lựa giống mới có khả năng kháng bệnh tốt và chịu hạn cao, kỹ thuật canh tác cây tiêu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại An Bình...
Sản phẩm từ cây tiêu được giá đã tạo sự phấn khởi cho nhiều hộ nông dân huyện Phú Giáo. Đây là tín hiệu tốt để nông dân chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng cũng là nỗi lo đối với nhiều người vì điệp khúc giá cả trồi sụt khó lường, dịch bệnh hoành hành khi trồng đại trà mà thiếu sự quan tâm về việc chọn giống. Do vậy, việc tìm ra phương pháp phòng trừ dịch bệnh hiệu quả, cũng như việc chọn lựa giống kỹ càng sẽ giúp người trồng tiêu hạn chế được những rủi ro, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân trong thời gian tới.
CAO SƠN