Tín hiệu mừng từ môn Sử
(BDO) Theo số liệu thông kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo, tính đến chiều 16-4 đã có gần 690.000 hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia được nhập lên hệ thống. Trong đó, số thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên chiếm 38%, số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội chiếm tới gần 50%, ngoài ra còn có gần 60.000 thí sinh đăng ký bài thi gồm cả hai tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Điều khác biệt nếu so với những năm trước về lựa chọn môn thi trong bài thi tổ hợp của thí sinh năm nay cho thấy, môn lịch sử được chọn nhiều nhất với hơn 352.000 thí sinh, tiếp đến là các môn địa lý, giáo dục công dân, hóa học, vật lý, sinh học.
Trả lời báo chí với việc thí sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội tăng cao, đặc biệt là môn sử, nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục cũng như các thầy cô giáo và học sinh cho rằng chọn tổ hợp này để thi tốt nghiệp an toàn hơn, dễ dàng tránh được điểm liệt nếu so với các môn khoa học tự nhiên. Nhiều nhà giáo còn cho rằng, việc thí sinh chọn môn sử tăng cao chưa hẳn các em yêu thích môn học này mà cái chính là điểm số. Môn sử các năm trước thi theo hình thức tự luận, thí sinh rất ngán ngại, còn năm nay thi theo hình thức trắc nghiệm, thí sinh chỉ cần chọn đáp án đúng - sai mà thôi. Một số thí sinh còn cho rằng năm nay là lần đầu tiên thi trắc nghiệm nên có khả năng đề thi sẽ “dễ thở” hơn…
Bất luận với lý do gì thì việc thí sinh trong cả nước lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội đăng ký dự thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay tăng cao, trong đó tăng đột biến về môn sử là sự đảo chiều thấy rõ. Và đó là một tín hiệu đáng mừng sau bao năm môn sử bị xem là môn phụ trong việc học cũng như thi! Một sự thật đáng buồn trong nhiều năm qua buộc các nhà sư phạm, những người quan tâm đến lịch sử nước nhà lên tiếng nhiều là bởi đa phần học sinh quay lưng với môn sử. Kết quả thi tốt nghiệp cũng như thi đại học môn sử có nhiều bài thi đạt điểm 0.
Việc học sinh không say mê học sử một phần lỗi không thuộc về các em. Nhiều chuyên gia giáo dục, những nhà nghiên cứu sử học cho rằng chương trình phổ thông môn sử khô cứng, nặng số liệu, một chiều, giáo viên đứng lớp thiếu kỹ năng truyền đạt… Tất cả đã dẫn đến hệ lụy là môn sử bị quay lưng. Từ thực tế đó, khi thống kê thí sinh đăng ký dự thi môn sử cũng như tổ hợp khoa học xã hội tăng cao trong kỳ thi năm nay đã phần nào làm yên lòng những ai yêu thích môn sử cũng như quan tâm đến lịch sử nước nhà. Môn sử, chí ít cũng đã có “chỗ đứng” nhất định trong học sinh trung học phổ thông.
TRIỆU PHONG