Tín dụng phát triển đúng định hướng
(BDO) Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho biết, sẽ bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2016.
Tăng trưởng đều
Diễn biến thị trường tiền tệ tại Bình Dương trong 9 tháng qua cho thấy, năm 2016 là năm đầu tiên tăng trưởng tín dụng có khác biệt lớn so với nhiều năm trở lại đây, rải đều qua các tháng thay vì tăng trưởng thấp hoặc âm đầu năm rồi dồn mạnh vào cuối năm.
Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Bình Dương cho biết, với việc triển khai thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của ngành, mặt bằng lãi suất huy động trong những tháng qua được ngân hàng giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay. Hiện có nhiều doanh nghiệp đang vay vốn để sản xuất, kinh doanh tại Vietcombank được hưởng lãi suất vay 6,5%/năm, có doanh nghiệp được nhận các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi vay chỉ 5,5 - 6%/năm... Đây là mức lãi suất hợp lý khiến mức tăng tín dụng và huy động vốn của Vietcombank tăng lần lượt 15% và 22% so với đầu năm.
Cơ cấu tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh 9 tháng qua tiếp tục chuyển dịch tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại VietCapital Chi nhánh Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: T.HỒNG
Cùng xu hướng này, trong 9 tháng qua, dư nợ cho vay tại BIDV Chi nhánh Bình Dương đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.
Diễn biến tăng dư nợ tín dụng không chỉ tạo thuận lợi, hiệu quả, an toàn với khối ngân hàng thương mại Nhà nước, mà khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng có mức tăng trưởng khá. Kết quả này đã góp phần làm cho bức tranh tín dụng ngành ngân hàng trong 9 tháng qua thêm khả quan.
Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương cho biết, trong 9 tháng qua, chính sách tín dụng đã được đơn vị thực hiện một cách linh hoạt, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, tín dụng tăng đều là nhờ tỉnh có những chính sách phát triển kinh tế phù hợp, môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn và ngân hàng có sự hỗ trợ về vốn kịp thời đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tại BIDV Bình Dương, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở khoảng 18% của tỉnh, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ngân hàng đã tăng cường công tác tiếp thị, tiếp xúc với doanh nghiệp, chủ đầu tư trong các khu công nghiệp mới thành lập trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu nhu cầu vốn, tư vấn và giải quyết nhu cầu vay...
Tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh
Một trong những giải pháp trọng tâm đã và đang phát huy hiệu quả là lãi suất cho vay đã được các ngân hàng thương mại điều chỉnh linh hoạt theo hướng tạo nguồn cung vốn thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm (kỳ hạn ngắn); các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/ năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Nhờ đó, tổng dư nợ đến ngày 30-9 của các ngân hàng thương mại ước đạt 111.565 tỷ đồng, tăng 17,21% so với đầu năm 2016 và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2015; tổng nguồn vốn huy động đạt 136.054 tỷ đồng, tăng 17,7% so đầu năm và tăng 26% so cùng kỳ năm 2015. Điều đáng quan tâm nữa là, nợ xấu của ngành chỉ ở mức 0,98% trên tổng dư nợ.
Theo ông Bùi Văn Nu, 9 tháng qua, trong bối cảnh khối doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng dòng vốn đưa vào các lĩnh vực ưu tiên như tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và tín dụng theo các chương trình kinh tế; chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở... vẫn có tỷ lệ tăng khá. Đây được xem là mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ những năm gần đây và phù hợp với chỉ tiêu tăng 18% trong năm 2016.
“Hiện dư địa tín dụng trong các tháng còn lại của năm 2016 đang được các ngân hàng thực hiện khá nhịp nhàng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và chấp thuận chỉ tiêu tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng để thực hiện khi phát sinh nhu cầu tăng trưởng tín dụng cuối năm. Ngược lại, với cơ chế này, những tổ chức tín dụng có nợ xấu cao, có dư nợ tập trung quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro hoặc gặp khó khăn trong bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động… có thể sẽ bị giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp”, ông Nu nói.
THANH HỒNG