“Tín dụng đen” giăng bẫy… !- Bài cuối
(BDO) Bài 4: Trả giá!
Bài cuối: Chung tay đẩy lùi
“Tín dụng đen” đã đẩy nhiều người dân nghèo, người lao động vào tình trạng khánh kiệt. Để đẩy lùi tội phạm “tín dụng đen”, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành, các địa phương, nhất là sự đồng hành của người dân trong việc mạnh dạn tố giác tội phạm… Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến và giải pháp nhằm từng bước đẩy lùi vấn nạn này.
* Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an (CA) tỉnh: Tập trung đấu tranh, triệt xóa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”
Vào trung tuần tháng 7-2022, tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh khóa X, vấn đề “tín dụng đen” đã được nêu lên và đề nghị Giám đốc CA tỉnh đưa ra các giải pháp xử lý. Trong phần trả lời, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc CA tỉnh cho rằng thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”, tội phạm “tín dụng đen” diễn biến rất phức tạp trở lại. Nhiều người dân, doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh giá nguyên liệu, hàng hóa tăng cao nên đã trở thành nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen”.
Trước tình hình trên, CA tỉnh đã chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, chủ động phát hiện, chủ động triệt xóa, ngăn chặn, không để các đối tượng “tín dụng đen” hoạt động. Trong đó, tập trung làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về giao dịch dân sự trong việc cho vay, lãi suất vay, góp vốn, huy động và trách nhiệm pháp lý về hình sự, dân sự… khi vi phạm quy định của pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Khuyến cáo người dân khi cần vay vốn nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống được Nhà nước cấp phép hoạt động; khi thực hiện các hồ sơ vay, người dân cần có các hợp đồng vay cụ thể có xác thực từ phía doanh nghiệp và người đi vay; phải tìm hiểu kỹ các thông tin về lãi suất, thời gian trả, phí phạt hợp đồng…
Lực lượng công an phát tờ rơi tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn hết sức tinh vi của tội phạm “tín dụng đen”. Ảnh: PX03-CABD
Lực lượng CA tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc thành lập các công ty, văn phòng đại diện để “núp bóng” kinh doanh tài chính trái pháp luật, cho vay nặng lãi; kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh cầm cố tài sản gắn với cho vay lãi suất vượt mức lãi suất theo quy định của pháp luật, các trường hợp in ấn tờ rơi và phát tờ rơi quảng cáo cho vay trái pháp luật; sử dụng mạng xã hội, mạng internet để hoạt động cho vay. Đồng thời tập trung đấu tranh, triệt xóa, xử lý nghiêm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tổ chức đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các băng nhóm, đường dây, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” nói chung và thủ đoạn lợi dụng các ứng dụng trên điện thoại để hoạt động biến tướng “tín dụng đen” nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, CA tỉnh đã triệt xóa 6 vụ; bắt, khởi tố 8 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng và phá rã thành công nhiều băng nhóm, đường dây cho vay lãi nặng.
Cũng theo Giám đốc CA tỉnh Bình Dương, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các đối tượng chủ yếu cho vay qua các app với thủ tục đơn giản hơn nhiều so với vay ngân hàng; đối tượng ở ngoài tỉnh, sử dụng các sim rác, các trang mạng xã hội giấu tên để gọi điện thoại đe dọa, đăng hình ảnh uy hiếp để làm nhục con nợ… nên công tác điều tra, xác định các đối tượng này là rất khó khăn.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” với thủ đoạn nêu trên, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên cho biết CA tỉnh đã đề ra hàng loạt giải pháp như: Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội, tích cực vận động, tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng, chống hoạt động “tín dụng đen” trong cộng đồng; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh tài chính, viễn thông, internet, an ninh mạng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, có phương án kịp thời ngăn chặn số tin nhắn, thông báo, cuộc gọi rác của nhóm đối tượng đòi nợ và có hành vi “khủng bố”; đề xuất ngăn chặn các số điện thoại có biểu hiện đòi nợ trái quy định của pháp luật; phối hợp Sở Tài chính bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ; phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý các cơ sở hoạt động cho vay lãi nặng trực tuyến.
Song song đó, lực lượng CA tỉnh tập trung đấu tranh, triệt xóa các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đặc biệt tập trung đấu tranh với các đối tượng là người nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên các cơ sở kinh doanh để hoạt động “tín dụng đen” cho vay qua các app trên các thiết bị điện tử.
NHÓM P.V (thực hiện)