Tín dụng cho học sinh, sinh viên: Tiếp sức hành trình đến trường
Chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên (HSSV) là một trong những chính sách vay vốn ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, nhờ nỗ lực của mạng lưới Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh và các địa phương, những đồng vốn này đã giúp hàng ngàn bạn trẻ được tiếp sức đến trường, thực hiện khát vọng và ước mơ học tập.
Cán bộ tín dụng NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương giải ngân cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: THANH HỒNG
Nhiều giải pháp giải ngân vốn vay
(BDO) Tuy còn có những khó khăn nhất định nhưng nhiều năm qua, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã triển khai tốt chương trình vay vốn ưu đãi dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, từ khi có Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV (có hiệu lực thi hành ngày 1-10-2007) đến nay, đã có hàng ngàn lượt HSSV được thụ hưởng nguồn vốn này của Nhà nước. Tính riêng trong năm 2015, đơn vị đã giải ngân gần 200 tỷ đồng cho hơn 3.500 HSSV trên địa bàn tỉnh vay vốn. Chuẩn bị bước vào năm học mới năm 2016- 2017, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chuẩn bị xong các bước cần thiết để công tác giải ngân cho vay chương trình HSSV bảo đảm đơn giản, thuận lợi, kịp thời, tránh phiền hà cho người vay.
Để đạt kết quả nói trên, theo ông Đức, cùng với việc tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị triển khai về tín dụng đối với HSSV tới các cấp chính quyền, ban ngành, các tổ chức xã hội và cơ sở đào tạo, chi nhánh cũng phối hợp với chính quyền địa phương, liên hệ với các trường trên địa bàn nắm số lượng HSSV trúng tuyển hàng năm và số HSSV hiện có để xác định nhu cầu vay vốn theo đúng đối tượng, từ đó lập kế hoạch tín dụng và phân bổ vốn về cơ sở kịp thời.
Ông Đức cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, chi nhánh đã thành lập các đoàn công tác thường xuyên đi cơ sở và thông qua các cuộc họp giao ban với các tổ chức hội, đoàn thể nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để xem xét, tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, thông qua đội ngũ cán bộ Tổ chức hội nhận dịch vụ ủy thác và các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TTK&VV) để phổ biến trực tiếp tại các địa bàn dân cư; niêm yết công khai chủ trương, chính sách tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn... Vì vậy, chính sách này đã đến được từng xóm, từng hộ gia đình.
Tiếp bước cho tương lai
Trước năm 2007, khi chưa có chương trình tín dụng HSSV, không ít trường hợp học sinh thuộc các hộ nghèo khi thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn. Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình tín dụng HSSV đã mở ra nhiều cơ hội cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Với mục tiêu không để HSSV đỗ cao đẳng, đại học và các trường chuyên nghiệp bỏ học nửa chừng, tỉnh Bình Dương đã dành nhiều nguồn vốn tích cực triển khai chương trình này. Nhờ vậy, nhiều HSSV đã được thụ hưởng chính sách tín dụng này.
Gia đình chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một là một trong những hộ nghèo được vay vốn tín dụng HSSV. Nhà chị Tuyết chỉ rộng 50m2, công việc chính là thợ may, thu nhập bấp bênh trong khi phải nuôi 2 con nhỏ ăn học. Năm 2012, đứa con gái lớn đậu đại học, chị Tuyết vừa mừng vừa lo vì không biết lấy đâu ra tiền cho con ăn học. Khi được sự giới thiệu của chị em trong TTK&VV của phường, chị được NHCSXH cho vay tiền giúp ước mơ bước vào giảng đường đại học của con chị trở thành hiện thực. Chị Tuyết chia sẻ: “Nhờ được vay vốn từ NHCSXH mà con tôi được học hành đến nơi đến chốn. Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã tiếp sức cho gia đình tôi thực hiện mong muốn của mình”…
Có thể nói, chương trình tín dụng HSSV đã góp phần tạo ra một nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ, kiến thức và tay nghề phục vụ cho xã hội và địa phương trong tương lai.
Tín dụng dành cho sinh viên y khoa
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 09/2016/QĐ-TTg quy định về tín dụng đối với HSSV y khoa sau khi đã tốt nghiệp trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, HSSV có hoàn cảnh khó khăn sau khi tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề được vay vốn học tập. Mức vay bằng mức cho vay tối đa đối với HSSV là 1.250.000 đồng/ tháng/sinh viên theo quy định hiện hành. Lãi suất cho vay là 0,65%/tháng; lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Để được vay vốn, sinh viên y khoa phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về thời gian thực hành, chi phí thực hành và chưa có hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian thực hành. Đối tượng là các sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; sinh viên sau khi tốt nghiệp thuộc hộ nghèo hoặc hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo; sinh viên sau khi tốt nghiệp mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian thực hành có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5 tới.
THANH HỒNG