Tìm thấy quả bom hạt nhân Mark IV thất lạc năm 1950?
(BDO) Giữa tháng 10-2016, một thợ lặn người Canada là Sean Smyrichinsky, trong lúc lặn tìm hải sâm ở đáy biển gần đảo Pitt, thuộc tỉnh British Columbia, Canada, đã tình cờ nhìn thấy một khối lớn hình cầu quái lạ mà thoạt đầu, anh ta nghĩ rằng nó có thể là "một vật bay không xác định - UFO - hay thường được gọi là đĩa bay", và vì một lý do nào đó nên đã rơi xuống biển.
Sau đó, Smyrichinsky kể lại chuyện này với bạn bè đồng thời vẽ lại hình ảnh của khối cầu mà anh đã nhìn thấy. Do tò mò, một ngư dân lên mạng internet tìm kiếm, và "tá hỏa tam tinh" khi nhận thấy nó giống y hệt quả bom hạt nhân Mark IV mà chiếc máy bay B36 của không quân Mỹ đã "đánh rơi" ngày 13-2-1950…
Chuyến bay định mệnh
7 giờ 27 phút sáng ngày 13-2-1950, tại căn cứ không quân Carswell, bang Texas - là nơi đồn trú của Không đoàn ném bom chiến lược số 7, Mỹ, một sĩ quan kiểm soát không lưu nhận được tin chiếc pháo đài bay Convair B-36B, số hiệu 44-92075, đã bị rơi trên vùng biển miền bắc tỉnh British Columbia, Canada. Điều nguy hiểm nhất là trên chiếc máy bay này, có một quả bom hạt nhân, ký hiệu Mark IV, trong đó chứa 2.300kg chất nổ TNT cùng với thành phần chất phóng xạ Uranium mà khối lượng không được tiết lộ.
Quả bom hạt nhân Mark IV.
Theo kế hoạch, chiếc B36 cất cánh từ sân bay Eielson, thành phố Fairbanks, bang Alaska đến sân bay Carswell, cách đó gần 6.000km về phía đông nam vào lúc 6 giờ 30 phút sáng để thực tập một vụ tấn công hạt nhân mô phỏng nhắm vào Liên Xô (cũ).
Với phi hành đoàn gồm 15 người cùng một chuyên gia về vũ khí hạt nhân và một chỉ huy ném bom, chiếc B36 thoạt đầu bay qua vùng biển bắc Thái Bình Dương, trên khu vực cán xoong giữa bang Alaska và tỉnh British Columbia, Canada.
Tiếp theo, nó vượt qua bang Washington và Montana. Tại vị trí này, chiếc B36 sẽ lên đến độ cao 12km rồi tiến hành vụ ném bom mô phỏng mà mục tiêu là thành phố San Francisco, bang California - được giả như một thành phố của Liên Xô. Sau khi thực tập xong, nó sẽ hạ cánh xuống sân bay Carswell, bang Texas.
Thời tiết lúc chiếc B36 cất cánh rất lạnh. Ở độ cao 8km trên bầu trời Alaska, nó là âm 40oC. Đến 7 giờ, 3 trong số 6 động cơ cánh quạt đột nhiên bốc cháy nên cơ trưởng ra lệnh cắt hẳn nguồn cung cấp nhiên liệu cho cả 3 động cơ này. Chưa hết, 3 động cơ còn lại cũng bị giảm công suất mà nguyên nhân về sau đã được các nhà điều tra chứng minh rằng các cửa hút không khí của tất cả 6 động cơ đều bị băng tuyết bám vào, dẫn đến hệ quả là lượng khí cung cấp cho buồng đốt thiếu hụt hẳn.
10 phút sau đó, lúc đã thông báo sự cố với Bộ chỉ huy Không đoàn ném bom chiến lược số 7, và được phép tùy nghi xử lý, cơ trưởng chiếc B36 quyết định cho phi hành đoàn nhảy dù, thoát khỏi máy bay vì với 3 động cơ còn lại, hoạt động rất ì ạch nên không thể kéo dài hành trình.
Trước lúc nhảy dù, theo ý kiến của chuyên gia vũ khí hạt nhân cùng sĩ quan chỉ huy vụ ném bom mô phỏng, cơ trưởng chiếc B36 đã cho vứt bỏ quả bom hạt nhân Mark IV xuống biển do sợ máy bay sẽ rơi trong đất liền.
Vài phút sau, khi tất cả mọi người trên chiếc B36 đã thoát ly khỏi máy bay, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ ở bang Nebraska lập tức thông báo cho Không quân Hoàng gia Canada, đề nghị nơi này mở chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn nhưng họ dấu biệt thông tin về quả bom hạt nhân Mark IV.
Kết quả chỉ có 12 người được cứu sống, 5 người còn lại tử vong do hạ thân nhiệt vì phải ngâm mình trong nước biển lạnh giá. Và mặc dù vụ cứu nạn đã hoàn tất nhưng Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ vẫn lặng lẽ truy tìm tung tích quả bom trên danh nghĩa "tìm xác chiếc B36". Phải mất 3 năm sau, họ mới thấy chiếc B36 trên triền núi Kologet, cách thị trấn Hyder, bang Alaska khoảng 80km.
Sau khi thu thập 2 chiếc hộp đen và phần khoang máy bay, nơi đặt quả bom hạt nhân, các chuyên gia Mỹ dùng chất nổ, phá tan chiếc B36 thành từng mảnh nhỏ. Riêng quả bom Mark IV vẫn bặt vô âm tín. Các khảo sát tiến hành nhiều năm sau đó không ghi nhận sự gia tăng mức phóng xạ bất thường trong nước biển cũng như trong không khí nên Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ để mặc cho nó chìm vào quên lãng.
Quả bom hạt nhân Mark IV và người tìm ra nó
Được sản xuất lần đầu năm 1949, quả bom Mark IV dựa trên thiết kể của loại bom hạt nhân đã được người Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản năm 1945. Nó có chiều dài 1,5m, đường kính 3,3m, nặng 4.940kg nhưng khác với 2 quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki, bom Mark IV kích nổ theo nguyên tắc lõi hạt nhân Plutonium được đặt bên ngoài quả bom.
Trước lúc thả bom, một chuyên gia sẽ kích hoạt cơ chế hoạt động của lõi hạt nhân này. Khi bom rơi ra khỏi máy bay và khi gần đến điểm nổ, lõi bom sẽ tự động đi vào khối vật liệu Uranium. Lúc ấy, hiện tượng phân hạch hạt nhân sẽ diễn ra, mang lại sức nổ từ 1 đến 31 kiloton tùy theo từng phiên bản.
Phương pháp này được người Mỹ gọi là "khái niệm vũ khí an toàn" nhằm đề phòng trường hợp bom bị thất lạc hoặc bị đánh cắp, sẽ không ai có thể làm cho nó nổ ngoại trừ những người nắm được bộ mã khóa kích hoạt lõi hạt nhân Plutonium. Cho đến khi ngừng sản xuất vào năm 1967 để thay thế bằng bom Mark VI, đã có tổng cộng 550 quả bom Mark IV ra lò.
Trở lại việc Smyrichinsky, người vô tình "nhìn" thấy quả bom Mark IV khi lặn tìm hải sâm ở đáy biển gần đảo Pitt, thuộc tỉnh British Columbia, Canada, anh ta kể: "Hôm ấy, tôi cùng 2 người bạn là thuyền trưởng Richard Hamilton và thợ lặn Chrissy Anderson, dự định tiến hành một đợt lặn. Tôi xuống nước đầu tiên, biển rất đẹp, màu xanh lá cây trong suốt. Gần đến đáy, tôi thấy khá nhiều những con hải sâm nằm rải rác cạnh những mô đá. Tôi nghĩ chuyến này trúng lớn rồi đây".
Smyrichinsky (bên phải), người nhìn thấy vật thể được cho là quả bom Mark IV ở đáy biển British Columbia, Canada.
Tuy nhiên, lúc bắt đầu tiến về phía những mô đá, Smyrichinsky bất ngờ gặp một vật thể bí ẩn.
Anh kể: "Tôi chắc chắn rằng nó không phải là một hòn đá, mà là một cái gì đó do con người tạo ra. Nó không dài lắm, có hình tròn như quả bí đao khổng lồ cùng mấy chiếc đai ràng chung quanh, được cố định bằng hàng tá những bu lông. Lớp vỏ ngoài của nó xù xì, có lẽ vì bị nước biển ăn mòn. Trong giây lát, tôi liên tưởng đến loại vật thể bay của người ngoài hành tinh (UFO) mà tôi đã từng xem trong những phim khoa học giả tưởng".
Nhặt xong mớ hải sâm nằm gần vật thể lạ, Smyrichinsky trồi lên mặt nước rồi nhanh chóng kể lại điều mình đã nhìn thấy cho thuyền trưởng Richard Hamilton và bạn đồng nghiệp Chrissy Anderson nghe.
Thuyền trưởng Hamilton cho biết: "Smyrichinsky vẽ lại hình ảnh của vật đó lên tấm khăn ăn bằng vải trắng và kết luận rằng nó chính là một UFO. Tôi chỉ cười, trong đầu tôi nghĩ anh ta đã tưởng tượng quá mức vì theo tôi, có thể đó là một quả thủy lôi mà quân đội Canada đã thả xuống để phong tỏa bờ biển nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của tàu ngầm Đức quốc xã hồi thế chiến 2. Tuy vậy, anh ta vẫn treo tấm khăn này trong cabin của tàu như để khẳng định UFO là có thật".
Để quan sát thêm một lần nữa, Smyrichinsky rủ Chrissy Anderson cùng lặn xuống với mình nhưng Anderson từ chối với lý do anh ta lặn là "để tìm hải sâm chứ không phải để nhìn những cái vớ vẩn". Tối hôm đó, Smyrichinsky lại kể câu chuyện về "UFO" cho các thợ lặn khác ở những con tàu neo gần tàu của anh nhưng cũng như thuyền trưởng Hamilton, Smyrichinsky bị các đồng nghiệp cho là điên khùng, bịa đặt.
Gần 2 tuần sau, khi chiếc tàu của thuyền trưởng Hamilton quay vào bờ để tiêu thụ số hải sâm đánh bắt được, Smyrichinsky mới có dịp vào thị trấn Courtenay. Lúc nghe anh ta kể về vật thể lạ ở dưới nước và tấm hình vẽ trên khăn ăn, mấy ngư dân lớn tuổi cho biết đó có thể là một quả bom.
Một ngư dân trẻ tuổi tò mò hơn, lên mạng Internet tìm kiếm và tá hỏa tam tinh khi nhìn thấy hình vẽ của Smyrichinsky giống y hệt quả bom nguyên tử Mark IV. Nhà sử học Dirk Septer, tác giả của cuốn sách "Lost Nuke" nói về vụ biến mất của quả bom hạt nhân Mark IV cho biết: "Sau nhiều năm im lặng cũng như tìm cách đánh lạc hướng dư luận, người Mỹ cuối cùng đã thừa nhận để mất quả bom hạt nhân. Tuy nhiên, quả bom ấy đã nổ hay vẫn còn nằm im tại một nơi nào đó thì vẫn là dấu hỏi".
Tin tức về việc thợ lặn Smyrichinsky nhìn thấy "quả bom có hình thù như Mark IV" ở đáy biển British Columbia rồi tối hôm đó, thông qua Facebook của bạn bè, Smyrichinsky gửi bức vẽ của mình đến trang web của Hải quân Canada thì dư luận thực sự dậy sóng, nhất là phần mũi của quả bom trong hình vẽ giống y hệt bản thiết kế. Trả lời trang thông tin tư liệu History, Smyrichinsky cho biết: "Hải quân Canada đã triển khai một tàu cùng một đội thợ lặn để xác minh vật thể mà tôi đã nhìn thấy, và họ mời tôi tham gia. Đó chính là điều tôi mong đợi".
Dự kiến cuối tuần sau, các thợ lặn thuộc tàu thăm dò của Hải quân Canada, với sự hướng dẫn của Smyrichinsky, sẽ tiến hành khảo sát vị trí nơi Smyrichinsky nhìn thấy quả bom. Nếu quả thật đó chính là Mark IV, họ sẽ phối hợp với các chuyên gia hạt nhân Mỹ để đánh giá mức nguy hiểm của nó rồi tiếp theo, hoặc là nó sẽ được trục vớt, đưa về Mỹ, hoặc cứ để mặc cho nó nằm yên như nó đã nằm suốt hơn 60 năm qua.
Tuy nhiên, theo Thiếu tá Steve Neta, thuộc Lực lượng tuần duyên Canada thì: "Phát hiện của Smyrichinsky không phù hợp với vị trí của vụ tai nạn máy bay B36 hồi năm 1950" nhưng ông không chắc chắn lắm và vẫn muốn cuộc điều tra được nhanh chóng tiến hành. Về phía Mỹ, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Không quân cho rằng: "Vì là một vụ ném bom mô phỏng nên Mark IV chỉ là một quả bom giả, không mang theo lõi Plutonium nên dù thất lạc ở bất cứ nơi nào, nó cũng không thể nổ".
Riêng các phi công và những thành viên trong phi hành đoàn của chiếc B36 may mắn sống sót, tất cả cũng đều khẳng định Mark IV là quả bom giả, bên trong chỉ chứa chì và thuốc nổ TNT. Đại úy Bary, cơ trưởng chiếc B36, trả lời một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình CBS: "Khi máy bay gặp nạn, chúng tôi đã quyết định vứt bỏ nó bởi lẽ lúc ấy chúng tôi không chắc chắn về nơi máy bay rơi có nằm trong những khu vực có người sinh sống hay không. Lượng lớn thuốc nổ TNT trong quả bom có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại".
Nhưng dù gì chăng nữa, phải đợi đến khi Hải quân Canada "sờ" được vào quả bom thì lúc ấy mới biết nó là bom giả hay không, nếu những nhân vật có thẩm quyền của Mỹ và Canada quyết định nói thật cho công chúng biết…
Theo CAND