Tìm lời giải về việc quá tải ở các trụ ATM

Thứ ba, ngày 12/11/2019

(BDO)

Công nhân lao động đang trăn trở khi “phải” rút tiền qua thẻ ATM (ảnh minh họa). Ảnh: QUỐC CHIẾN

“Tiền mình làm ra mà rút khổ vầy nè!”

“Khách hàng là thượng đế” xem ra còn quá xa vời với những CNLĐ, chỉ riêng đối với tư cách là khách hàng của “nhà băng” khi lãnh lương qua thẻ ATM. Không cần đến dịp lễ, tết, chỉ tính những ngày cao điểm, doanh nghiệp phát lương (khoảng từ ngày 5 - 10 hàng tháng), dạo quanh các trụ ATM sẽ thấy, công nhân đứng xếp hàng đông như kiến. Tâm trạng chung của các công nhân là: “Ngán! Chúng tôi muốn lãnh tiền mặt!”. Thậm chí, với nhiều CNLĐ có con nhỏ đã bày tỏ sự “quá bức xúc” vì chuyện phải xếp hàng cả 30 phút, thậm chí lâu hơn, khi chờ rút tiền cũng là khi họ phải thuê người đưa đón con cái chỉ để “rút tiền từ ATM”. Và, tất nhiên, ngoài phí trả cho ngân hàng để “rút tiền qua ATM”, họ phải trả thêm chi phí thuê người đưa đón con!

Bức xúc với cảnh này, chị Nguyễn Thị Lan, một công nhân ở TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Tôi chờ lương từng ngày, không thể để thư thả mới rút tiền. Vì vậy, bắt buộc phải xếp hàng chờ”. Còn anh Nguyễn Minh Hùng, cũng là công nhân ở TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Tụi tui chờ lương từng ngày, vì hàng trăm thứ cần chi tiêu. Nên chuyện chen chúc rút lương là điều khó tránh khỏi. Tui chỉ bực là tiền mình làm ra mà rút khổ vầy nè!”. Theo anh Hùng, xếp hàng chờ mà rút được tiền còn đỡ bực, nhiều khi máy ATM hư hỏng, báo lỗi, nuốt thẻ... xảy ra liên tục. Thực tế này, rất nhiều người gặp, không riêng công nhân!

Thấu hiểu điều này, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, đã chia sẻ. “Đời sống công nhân vốn đã khó khăn vì đồng lương còn thấp, vật giá leo thang nhưng đến khi lãnh được đồng lương còn phải chạy hết máy ATM này sang máy khác... mà có khi chạy lòng vòng, bở cả hơi tai cũng không nhận được tiền!”. Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, thực hiện việc trả lương bằng thẻ ATM thông qua các ngân hàng là chủ trương hợp lý, đúng đắn. Tuy nhiên, trên thực tế, xung quanh chiếc thẻ ATM vẫn còn nhiều bất cập, gây ra không ít khó khăn cho người lao động. “Tại các buổi đối thoại của các cơ quan Nhà nước với người lao động, các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi sinh hoạt của công đoàn..., có rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề này, nào là trụ ATM quá tải, hư hỏng, hết tiền, nuốt thẻ...”, bà Hạnh nói.

Cần nhanh chóng giải quyết

Để tìm giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng bất cập trong việc trả lương qua thẻ ATM, vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức “Khảo sát thực trạng CNLĐ nhận lương qua thẻ ATM trên địa bàn tỉnh”. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh đã khảo sát ở 3.068 doanh nghiệp (100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn); kết quả có 47% doanh nghiệp trả lương qua thẻ ATM; trên 550.000 CNLĐ (chiếm tỷ lệ 70%) nhận lương qua thẻ ATM; có 21 ngân hàng thực hiện việc giao dịch trả lương qua thẻ ATM cho CNLĐ. Trong đó, Vietcombank, BIDV và Aribank chiếm 90% thị phần.

Qua khảo sát cho thấy, thuận lợi cho CNLĐ khi nhận lương qua thẻ ATM là bảo đảm được sự an toàn. CNLĐ không tốn thời gian chờ nhận lương tại doanh nghiệp và có thể linh hoạt thanh toán các chi phí thông qua phần mềm. Về phía doanh nghiệp cũng giảm được nhân công cấp lương hàng tháng, giảm áp lực và không còn tình trạng lộn xộn, mất cắp, mất an ninh trật tự tại doanh nghiệp trong thời điểm phát lương. Về phía ngân hàng, “đương nhiên” là được tăng thêm số lượng tài khoản rất lớn và có lợi từ việc thu phí định kỳ, phí giao dịch và nguồn lãi suất từ các khoản tích lũy. Với các ngân hàng, lâu nay điều này là mặc nhiên!

Bên cạnh thuận lợi, việc trả tiền qua thẻ ATM còn rất nhiều hạn chế do hiện nay còn ít các trụ ATM nên những nơi có đông CNLĐ xảy ra tình trạng quá tải, đặc biệt là các thời điểm lễ, tết, ngày doanh nghiệp phát lương. Một số ngân hàng có quy mô nhỏ vẫn thực hiện giao dịch trả lương qua thẻ nhưng không lắp đặt trụ ATM do chi phí lắp đặt và quản lý cao, vì vậy CNLĐ phải rút qua ngân hàng khác, phí dịch vụ cao hơn. Vị trí đặt trụ ATM chưa thật sự an toàn. Những nơi có ít CNLĐ thì việc trả lương qua thẻ ATM càng có nhiều hạn chế hơn khi mà trụ ATM xa nơi làm việc, nơi ở... Và trên thực tế, tiền lương và thu nhập của CNLĐ còn thấp, phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của CNLĐ và gia đình họ. Vì vậy, không có tiền tích lũy, chỉ trông chờ vào tiền lương hàng tháng. Chính vì vậy, hầu hết CNLĐ đến ngày có lương là rút hết tiền trong tài khoản.

Bà Trương Thị Bích Hạnh cho biết trước hàng loạt hạn chế đó, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với các ngân hàng lắp đặt thêm trụ ATM ở những nơi có đông CNLĐ, có thể tại doanh nghiệp hoặc các trụ ATM di động vào các ngày có điểm trả lương, lễ, tết. Các ngân hàng thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các trụ ATM có sự cố nuốt thẻ, bị hỏng, bảo đảm lượng tiền đầy đủ. Đối với Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại việc phân bố trụ ATM theo bán kính trên cơ sở số lượng thẻ ATM của các ngân hàng đã ban hành; chỉ đạo các ngân hàng tăng cường việc lắp đặt trụ ATM bảo đảm đủ đáp ứng nhu cầu rút tiền và giao dịch của CNLĐ.

“Hiện nay đã và đang phát sinh rất nhiều hình thức tín dụng đen, cho CNLĐ vay nặng lãi hoạt động rất tinh vi, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhiều CNLĐ vay không có khả năng trả, lâm vào khó khăn, túng quẫn. Vì vậy, đối với những ngân hàng thực hiện giao dịch trả lương cho CNLĐ qua thẻ ATM cần có chính sách cho vay cụ thể, tạo điều kiện cho CNLĐ vay vốn để hạn chế tình trạng tín dụng đen”.
(Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)

THU THẢO

Từ khóa: