Tìm lại tên một vùng đất… (Bài 2)
(BDO) Bài 2: Chiến khu Vĩnh Lợi - Cái nôi cách mạng của Thủ Dầu Một
Căn cứ Vĩnh Lợi - Chiến khu Vĩnh Lợi (CKVL) là căn cứ của huyện Châu Thành, đồng thời cũng là nơi trú đóng của nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh, được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến”. Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, CKVL cùng với nhân dân huyện Châu Thành đã đóng góp nhiều sức người, sức của, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đội nữ pháo binh C4 huyện Châu Thành vui mừng trong ngày khởi công Khu di tích tưởng niệm CKVL
Gần 40 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng những chiến tích của một thời bom đạn ác liệt vẫn còn in đậm trong tâm trí những người từng sống, chiến đấu trên vùng đất linh thiêng này. Biết bao lần giặc càn quét dã man, nhiều gia đình đã tan nhà nát cửa, nhiều nóc nhà đã được dựng lên rồi lại bị thiêu rụi nhiều lần. Ông Nguyễn Đức Tính, nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Châu Thành bồi hồi: “Nhắc đến CKVL, hẳn ai đã từng sống và chiến đấu qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ trên mảnh đất thân yêu này đều không thể nào quên những năm tháng kháng chiến ác liệt và gian khổ. Chỉ với diện tích 5km2, nhưng tại nơi đây, quân và dân ta đã hứng chịu và kiên cường đánh trả không biết bao nhiêu trận càn quét của địch”. Ông Nguyễn Đức Tính bảo, CKVL có diện tích không lớn lắm nhưng địa thế, tính chất của nó liên hoàn với Chiến khu Đ nên được xem là cửa ngõ để tấn công địch. Trong kháng chiến chống Pháp, ta đã phát động phong trào nhân dân du kích chiến tranh rào hàng rào chiến đấu và đào hầm chông, hố đinh, cắm chông tre và địa đạo để bảo vệ căn cứ; hình thành các thế trận “thiên la địa võng”, khi quân Pháp càn vào thì càng lún lầy. Vì thế, chúng đánh giá, CKVL là chiến khu “vĩnh biệt”, có đi mà không có về. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địch coi CKVL là cái gai chỉa vào mắt chúng. Vì vậy, bọn chúng mở nhiều cuộc càn quét, đưa nhiều xe tăng từ Cổng Xanh tiến vào bắn phá CKVL.
Ông Phan Văn Hiếu, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, Trưởng ban liên lạc truyền thống kháng chiến huyện Châu Thành - CKVL cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, CKVL chính là cái nôi cách mạng của huyện Châu Thành. Nơi đây đã có trên 1.000 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và hơn 950 chiến sĩ bị thương tật. Tất cả họ đã đem máu xương của mình dâng hiến cho Tổ quốc để làm rạng rỡ vùng đất Châu Thành. |
Theo sử sách để lại, Vĩnh Lợi xưa thuộc tổng Bình Điền, tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc ấp 3, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên), là một vùng đất cao có rừng nổi tiếng. Khu căn cứ Vĩnh Lợi bao hàm hết xã Vĩnh Tân, một phần của xã Tân Bình và Bình Mỹ. CKVL được hình thành năm 1946, giữa 3 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cây Bông, rừng Sở Tiên và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi hai con suối là suối Cái (suối cầu Thợ Ụt) và suối Vĩnh Lợi ở hướng đông nam; hướng đông và tây có hai trục lộ giao thông chạy về hướng bắc tạo sự liên thông với Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa. Với những cánh rừng tự nhiên trải dài hàng trăm ha và hai cánh đồng ruộng trải rộng theo hai con suối có nước quanh năm đã cung cấp lương thực nuôi sống người dân Vĩnh Lợi bao đời đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng dù có thịt nát xương tan, lao tù đói khổ.
Với vị trí tự nhiên đó, Vĩnh Lợi được chọn làm trung tâm của chiến khu đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo huyện và tỉnh; được mệnh danh là “Tỉnh lỵ kháng chiến”. Đây cũng là một trong những nơi tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, đã hình thành một lực lượng lớn gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, du kích tập trung và du kích xã, ấp. CKVL còn là hậu cần và là cầu nối liên hoàn từ các căn cứ Thuận An Hòa, Chiến khu Đ, Long Nguyên - Bến Cát…
Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, CKVL cùng với nhân dân huyện Châu Thành đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng và đã anh dũng hy sinh, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của chiến trường. Quân và dân trong huyện vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, giữ vững và phát huy vai trò là căn cứ hậu cần, là bàn đạp vững chắc trong kháng chiến đối với phong trào cách mạng ở địa phương. Qua đó góp phần vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Đại đội phó Đội nữ pháo binh (C4) huyện Châu Thành cho biết: “Những năm 1969-1970, cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Địch tổ chức nhiều đợt càn quét ác liệt hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng ta. Ta và địch luôn trong tư thế cài răng lược. Chúng tôi phải núp trong rừng, đào hầm bí mật ẩn náu. Đơn vị C4 cả tuần không có gạo ăn. Và tôi nhớ mãi, trong những lần như thế, chúng tôi lại len lỏi ra dân xin gạo, mắm muối. Trên mảnh đất, mỗi người dân đều là một chiến sĩ cách mạng nên họ rất thương bộ đội, sẵn sàng cung cấp lương thực, tư trang. Cái nghĩa, cái tình ấy, chúng tôi không bao giờ quên”.
Với những chiến công vang dội, nhiều xã của huyện Châu Thành cũ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khu di tích lịch sử CKVL hiện cũng đã được xây dựng hoàn thành để tưởng nhớ công lao to lớn của những người đã chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Khu di tích sẽ giúp cho thế hệ trẻ hôm nay ghi nhớ và tri ân công lao to lớn của thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, vun đắp lý tưởng truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Vùng đất CKVL một thời hào hùng giờ đây vẫn đang được thế hệ trẻ viết tiếp bằng những trang sử của sự thay da đổi thịt, phát triển từng ngày.
Từ đầu năm 1947, huyện Châu Thành đã thành lập được Đội vũ trang bảo vệ căn cứ do đồng chí Phan Hữu Đức làm đội trưởng, quân số thường xuyên 50 - 60 người. Đội có nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ căn cứ, bảo vệ đường giao liên của huyện từ căn cứ Vĩnh Lợi xuống Lái Thiêu (Thuận An); từ Vĩnh Lợi qua Thới Hòa, nối với đường giao liên tới bắc đường 16 về Chiến khu Đ. Hàng ngày, đội cũng tổ chức lực lượng bảo đảm liên lạc, đưa đón khách (cán bộ, chiến sĩ đi lại hoạt động trên chiến trường qua đường giao liên của huyện) có khi lên đến 300 người từ Chiến khu Đ qua Châu Thành về Bến Cát an toàn.
Bài cuối: Một thời “máu và hoa”
THU THẢO