Tìm hướng phát triển ổn định, bền vững cây ăn quả có múi
(BDO) Chiều 26-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo bàn giải pháp tổ chức, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi ổn định, bền vững, hướng đến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội thảo có các giáo sư, tiến sĩcủa trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh; đại diện Chi cục chế biến và phát triển thị trường nông sản vùng 1 tại TP.Hồ Chí Minh; các trang trại, hợp tác xã; doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu đãthảo luận nhiều vấn đề thực trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh; thị trường sản phẩm cây ăn quả có múi và tiềm năng thị trường xuất khẩu; giải pháp sơ chế, chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Thông qua hội thảo để đưa ra các giải pháp về quy hoạch, phát triển vùng sản xuất cây có múi tập trung; chính sách, chất lượng sản phẩm; về kỹ thuật, khoa học công nghệ; liên kết sản xuất và tiêu thụ… để định hướng cây ăn quả có múi tiếp tục tăng trưởng bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.
Hiện nay, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.800 ha, chiếm 54% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, tăng hơn 11% so với năm 2018. Sản lượng đạt gần 34.000 tấn, tăng 5% so với năm 2018. Diện tích trồng cây có múi đạt chứng nhận VietGAP khoảng 250 ha. Một số sản phẩm đãđược công nhận thương hiệu như: Nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”, nhãn hiệu “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”, “Quýt Bắc Tân Uyên”…
THOẠI PHƯƠNG