Tìm giải pháp xây dựng trường Chính trị chuẩn
(BDO)
Thạc sĩ Ngô Thị Liên, Hiệu trưởng TCT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội thảo
Yêu cầu từ thực tiễn
Phát biểu đề dẫn hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng TCT tỉnh, cho biết ngày 19-5-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 11-QĐ/ TW về TCT chuẩn với mục tiêu nhằm thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất để các TCT thực hiện thống nhất nội dung công tác. Trên cơ sở đó nhằm nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của hệ thống TCT trong cả nước; tạo cơ sở cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các Tỉnh ủy, Thành ủy đối với TCT, giúp các trường hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.
Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa, các TCT cấp tỉnh cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, để TCT các tỉnh thật sự là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các tỉnh; đồng thời là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, tham vấn xây dựng chính sách và tư vấn phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của các tỉnh ngày càng vững mạnh, trong quá trình xây dựng, triển khai và thực hiện Đề án TCT đạt chuẩn theo Quy định 11-QĐ/ TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư là yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những việc đã làm được, chưa đạt được, nhất là việc khó, việc lớn, qua đó có cái nhìn toàn diện, có kinh nghiệm hay để triển khai xây dựng các TCT trong cụm thi đua đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian tới và hướng tới xây dựng các TCT đạt chuẩn. Thạc sĩ Ngô Thị Liên, Hiệu trưởng TCT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ để thực hiện thành công Đề án TCT chuẩn, việc đầu tiên của trường là xác định các nhóm tiêu chí và đánh giá thực trạng việc thực hiện các nhóm tiêu chí theo chuẩn mức 1 và mức 2 theo quy định. Theo đó, ở từng nhóm tiêu chí có những ưu điểm cũng như hạn chế mà thời gian tới trường phải tập trung thực hiện. Chẳng hạn, ở nhóm tiêu chí về đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, hiện nay giảng viên giữ ngạch giảng viên chính trở lên mới chỉ đạt 25% (theo quy định chuẩn 1 phải đạt ít nhất 60%). Tỷ lệ giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay có 3/24 giảng viên, mới đạt 12,5% mà theo quy định chuẩn 1 phải đạt 100%... Vì vậy, thời gian tới, Ban Giám hiệu nhà trường phải có những giải pháp đề xuất để hỗ trợ trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên.
Chia sẻ những kinh nghiệm
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ cách làm hay cần đúc kết kinh nghiệm để các trường trong cụm nghiên cứu, học tập, nhân rộng điển hình tiên tiến; đặc biệt làm rõ nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, giải pháp xây dựng TCT đạt chuẩn. Theo tiến sĩ Vũ Thị Nghĩa, Phó hiệu trưởng TCT tỉnh Đồng Nai, trên nền tảng cả về cơ sở, vật chất và con người so với các tiêu chí TCT chuẩn, cũng như so với tương quan một số trường trong khu vực, trong những năm tới, TCT Đồng Nai cần có sự cố gắng nỗ lực thật lớn mới đạt được chuẩn vào năm 2025. “Tuy nhiên, bước đầu thực hiện, chúng tôi cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm, hy vọng trường sẽ sớm đạt được mục tiêu, hoàn thành kế hoạch đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát động và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy giao. Trước tiên là trường đã quán triệt, nâng cao nhận thức cho toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của trường về yêu cầu phấn đấu đạt TCT chuẩn. Từ đó, hình thành trong mỗi cán bộ giảng viên tâm thế nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Song song đó, nhà trường khơi dậy sức mạnh của tập thể, của từng cá nhân để tập trung thực hiện các mục tiêu được xác định...”, tiến sĩ Vũ Thị Nghĩa nói.
Kết luận hội thảo, phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá nội dung hội thảo đã giúp làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay về phương pháp tổ chức, triển khai và thực hiện các nội dung xây dựng TCT chuẩn, để các TCT trong cụm thi đua sẽ đạt được chuẩn theo đúng lộ trình và thời gian quy định.
THU THẢO