Tham luận tại hội trường:
Tìm giải pháp xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
Sáng 27-10, tiếp tục chương trình của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, các đại biểu đã trình bày tham luận, nêu giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới... Ngoài những tham luận trình bày tại đại hội, một số đơn vị cũng đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, góp phần xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Đại biểu trao đổi bên lề đại hội. Ảnh: Q.CHIẾN
Gắn Nghị quyết Trung ương 4 với làm theo Bác
Đề cập những kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Thị ủy Dĩ An cho rằng, thành quả đạt được trong nhiệm kỳ X của Đảng bộ thị xã có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng hàng đầu là Ban Chấp hành Đảng bộ đã quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Qua đó đã tác động tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả có 98 lượt tập thể và 221 lượt cá nhân tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng, Đảng bộ thị xã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước và được vinh dự là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX về thành tích “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Để có được thành tích trên, Thị ủy Dĩ An đã quán triệt và thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo của cấp trên sát hợp với tình hình của địa phương, đơn vị; xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để có sự tập trung; tổ chức lực lượng chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện; trong quá trình thực hiện phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục mặt hạn chế, thiếu sót và phát huy, nhân rộng mặt ưu điểm; bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công khai và minh bạch để không ngừng tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; thực hiện tốt việc nêu gương, biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kịp thời phát huy, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay đã được thực tiễn kiểm nghiệm công nhận là đúng đắn nhằm tạo sức lan tỏa rộng rãi của chương trình…
Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Phú Giáo đã xây dựng những chương trình, kế hoạch chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phát triển kinh tế, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đạt tỷ trọng cao; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn được kiểm soát, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ổn định. Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đều đạt và vượt nghị quyết đại hội đề ra.
Đại biểu theo dõi các tham luận tại hội trường. Ảnh: Q.CHIẾN
Hiện nay, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Các loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp được thay thế bởi các loại cây lâu năm, sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi. Chăn nuôi trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển, chủ yếu là chăn nuôi quy mô tập trung với các loại hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, gia công cho các công ty chăn nuôi trong và ngoài nước. Hiện toàn huyện có 341 trang trại, tổng thu của các trang trại là 1.005 tỷ đồng. Song song đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện tập trung chỉ đạo và đạt kết quả tốt. Từ đó, bộ mặt vùng nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương. Đến cuối năm 2014, huyện Phú Giáo có 2 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, trong năm 2015 huyện sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đại biểu Vương Tấn Lực, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Giáo, để phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã đề ra, TP.Thủ Dầu Một chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ thành phố đến cơ sở, nhằm xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Đây là giải pháp đột phá mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa Thủ Dầu Một nhanh chóng trở thành thành phố văn minh - giàu đẹp - hiện đại, phấn đấu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2017. Đại biểu Nguyễn Văn Đông, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Trên cơ sở thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân và công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” của UBND tỉnh, thành phố đã triển khai và đưa vào thực hiện ở 4 phường: Chánh Mỹ, Hiệp An, Hòa Phú, Phú Tân. Nội dung của mô hình là thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, giải quyết tốt các khiếu nại tố cáo của công dân và thực hiện “Nụ cười công sở”. Để tạo ra ấn tượng đặc biệt cho Thủ Dầu Một, Thành ủy chủ trương chú trọng vào khâu chính quyền thực hiện, bao gồm các khâu như trả lời văn bản cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch khi hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết; hướng dẫn, bổ sung hồ sơ theo quy định; thư xin lỗi do trễ hạn hoặc tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân; thư chúc mừng, chia buồn…”.
Sau gần một năm thực hiện mô hình, bước đầu đã tạo sự thay đổi tích cực về hình ảnh chính quyền thành phố, đó là sự gần gũi, thân thiện, tận tâm tận lực của người cán bộ. Các phường được chọn làm thí điểm đã tổ chức được 5 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân và có gần 1.000 lượt người dự, phát hành 100 thư xin lỗi, 150 thư chúc mừng, 250 phiếu khảo sát sự hài lòng của nhân dân khi đến giao dịch. Điều đáng mừng, qua thực hiện mô hình, nhân dân trên địa bàn rất hài lòng với cung cách phục vụ của cán bộ công chức và ủng hộ các nội dung của mô hình chính quyền thân thiện. Thành quả là thế, song để đánh giá tổng thể về mô hình, đại biểu Nguyễn Văn Đông nhìn nhận: Quá trình thực hiện mô hình cũng còn một số vướng mắc, khó khăn như: việc triển khai mô hình đến khu phố còn hạn chế; công tác tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân ở một số phường còn giới hạn về nội dung; việc giải trình ý kiến đôi khi chưa đáp ứng mong muốn của người dân; một số vấn đề phức tạp, bức xúc cần thống nhất của nhiều cơ quan chậm được giải quyết, một số tình huống phát sinh trong thực tế thực hiện “Thư xin lỗi” gây lúng túng cho cán bộ, công chức.
Thời gian tới, thành phố sẽ nhân rộng mô hình đến 14 phường và chọn một số đơn vị làm điểm. Để thực hiện tốt mô hình, thành phố cần rà soát, cải tiến và thực hiện tốt các nội dung cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt quy chế dân chủ; tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân và làm tốt công tác tiếp công dân; thực hiện tốt các quy định về văn hóa công sở và giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân sau khi đối thoại.
Kết hợp kinh tế trang trại và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
Ở huyện Bắc Tân Uyên, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang giữ vai trò chủ đạo với đất sản xuất nông nghiệp 35.206 ha (chiếm hơn 80% diện tích đất tự nhiên). Cùng với trồng trọt, chăn nuôi tiếp tục là thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Trên địa bàn đã từng bước hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trang trại chăn nuôi lớn theo hướng quy hoạch, áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới và hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng có thuận lợi được bao quanh bởi sông Đồng Nai và sông Bé, tạo nên không khí mát mẻ, trong lành; kết hợp thổ nhưỡng tươi tốt thích hợp với cây ăn quả có múi đã tạo nên tiềm năng và lợi thế to lớn về du lịch sinh thái.
Từ những thuận lợi đó, địa phương đã điều chỉnh cơ cấu ngành sản xuất theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên, định hình cho một vùng du lịch sinh thái trong tương lai. Cụ thể, huyện đã hình thành các khu trang trại sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân; hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái có múi... đã sử dụng giống mới có năng suất chất lượng cao. Đặc biệt, huyện cũng đã có 5 khu du lịch sinh thái, gồm: Mắt Xanh, Hàn Tam Đẳng, Phúc Lộc Thọ, khu du lịch Vườn Vũ, Du lịch Xanh. Các khu du lịch đã góp phần giới thiệu huyện Bắc Tân Uyên đến với du khách trong, ngoài tỉnh. Tận dụng lợi thế đã có sẵn là các khu du lịch, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục kết hợp gắn phát triển mô hình kinh tế trang trại với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tạo thuận lợi cho du khách đến tham gian.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên cho biết, để thực hiện bước đột phá trong dự án này, Đảng bộ huyện Bắc Tân Uyên sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như: Tập trung mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản, đồng thời phát triển các dịch vụ ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; hình thành các khu dịch vụ, sản phẩm du lịch gắn với lợi thế địa phương; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị- xã hội ở nông thôn.
Chăm lo cho người lao động
Theo đại biểu Lê Thành Nhơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Sự tăng nhanh các doanh nghiệp đã thu hút số lượng lớn người lao động từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước về Bình Dương làm việc và sinh sống. Trong số đó, lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) ngoài tỉnh, làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước ngày càng chiếm tỷ lệ cao.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xác định công tác xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Song song đó, công tác chăm lo thiết thực đời sống cho CNLĐ là một trong những giải pháp quan trọng để tập hợp, vận động phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Công tác chăm lo cho CNLĐ cũng được chú trọng, xây dựng các chương trình, hoạt động như: Tuần lễ Thanh niên công nhân và Tháng Công nhân được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động chăm lo ngày càng thiết thực, sôi nổi đã thu hút đông đảo CNLĐ nhiệt tình tham gia và sự đồng tình ủng hộtừ người sử dụng lao động; chương trình “Chuyến xe xuân nghĩa tình” đã và đang góp phần chăm lo thiết thực cho CNLĐ xa quê, động viên họ sớm trở lại làm việc sau tết; hoạt động thăm và tặng quà tết cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chú trọng; chương trình “Mái ấm công đoàn” được triển khai có hiệu quả đến các cấp công đoàn. LĐLĐ tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức họp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ và cán bộ CĐCS hàng năm. Thông qua kênh đối thoại trực tiếp hiệu quả này, các vấn đề khó khăn, bức xúc trong đời sống, việc làm của CNLĐ được các ngành, các địa phương giải quyết kịp thời, chia sẻ những khó khăn, giúp họ an tâm làm việc và ổn định cuộc sống.
Đạt được những kết quả trên, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã đúc kết một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể, liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với từng loại hình CĐCS, đa dạng các hình thức tập hợp, phát triển đoàn viên; phát triển tổ chức phải đi đôi với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS; chú trọng việc tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực đến CNLĐ. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng đã chủ động đề xuất, vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để huy động các nguồn lực chăm lo trực tiếp cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; coi trọng việc tổ chức đối thoại trực tiếp tại nơi làm việc, họp mặt định kỳ với cán bộ công đoàn, CNLĐ, người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của CNLĐ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Thời gian tới, LĐLĐ sẽ đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thực hiện đồng bộ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
NHÓM P.V(thực hiện)