Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Thứ ba, ngày 06/06/2023

(BDO) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh” nhằm đánh giá thực trạng và tiềm năng sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu của địa phương.

 

Sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo)

 Tiềm năng lớn

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3% trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh luôn chú trọng đầu tư cho lĩnh vực này phát triển theo hướng bền vững. Hiện nay, tỉnh có 4 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha trồng trọt và chăn nuôi, nông nghiệp đô thị 172 ha, có 580 ha trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ. Diện tích cây ăn quả hơn 7.300 ha với một số loại cây chủ lực, như: Bưởi, cam, quýt, măng cụt, chuối, dưa lưới. Trái cây có múi của Bình Dương đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường. Việc sản xuất tập trung là tiền đề để xây dựng vùng chuyên canh tiến đến liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững.

Hiện các loại trái cây chủ lực của tỉnh đa phần tiêu thụ nội địa. Bình quân sản lượng trái cây tiêu thụ khoảng 10.800 tấn/năm. Nông sản Bình Dương đã tiếp cận được một số thị trường thế giới, cụ thể như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Singapore, EU, Trung Quốc, New Zealand… Đến nay, toàn tỉnh có 22 mã số vùng trồng của 17 cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp với diện tích trên 1.000 ha. Sau khi được cấp mã số vùng trồng, một số đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác (chủ yếu là chuối); các loại trái cây khác đang đàm phán, chờ hợp đồng hoặc xuất khẩu qua đơn vị trung gian.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng và quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, Bình Dương đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu về vùng nguyên liệu, sản lượng xuất khẩu. Song song đó, Bình Dương có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như chính sách về áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, chính sách vay vốn, liên kết, xúc tiến thương mại… đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu về tiêu chuẩn chất luợng của các thị trường.

Giải pháp nào?

Unifarm là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các sản phẩm hiện nay của Unifarm, trong đó chủ yếu là cây dưa lưới và cây chuối đều được tiêu thụ qua hợp đồng trực tiếp với các đối tác là các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích và đã xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), chia sẻ mục tiêu của Unifarm khi tham gia vào ngành nông nghiệp là phải tìm ra những mô hình có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, từ đó nhân rộng ra cho người dân trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó, Unifarm đã mời nhiều chuyên gia giỏi, thực nghiệm nhiều mô hình trồng trọt và đã tìm ra được những mô hình hiệu quả như dưa lưới, chuối... “Với thị trường rất tiềm năng và có khả năng tiêu thụ với quy mô lớn hơn, nhu cầu liên kết với các trang trại, nông hộ, các hợp tác xã trong vùng để hình thành các liên vùng chuyên canh các sản phẩm có lợi thế là một trong những xu hướng phát triển rất tiềm năng. Hiện nay, chủ đầu tư đang đi đầu trong việc hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy trình kỹ thuật sản xuất và xây dựng hệ thống phân phối, làm hạt nhân định hướng cho việc phát triển các đối tượng cây trồng này trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, ông Phạm Quốc Liêm chia sẻ thêm.

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đánh giá rằng Bình Dương quy hoạch nông nghiệp từ rất sớm và bài bản, hầu hết các nông trại đều khá lớn, sản lượng dồi dào, nguồn lực đầu tư vào kỹ thuật canh tác cao. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất nông nghiệp Bình Dương vẫn còn kiểu manh mún nhỏ lẻ, khó kết nối để xuất khẩu. Ông Trần Minh Hải cũng lưu ý Bình Dương cần phải sớm xây dựng bản đồ nông hóa thổ dưỡng, căn cứ cho các địa phương định hướng tổ chức sản xuất và liên kết. Bình Dương cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ nông dân tăng cường chất lượng sản phẩm, đa dạng hình thức marketing và nâng cao năng lực hợp tác xã.

Thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã gặt hái nhiều kết quả tốt, tuy nhiên nông sản Bình Dương chủ yếu xuất khẩu dạng tươi, chưa qua chế biến nên giá trị xuất khẩu thấp. Bên cạnh đó, tỉnh chưa hình thành được liên kết ngang giữa các hộ, trang trại sản xuất để đẩy mạnh, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế còn ít và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu.

 Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT: Để đẩy mạnh sản xuất nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp Bình Dương xác định quy mô sản xuất theo từng ngành hàng, cần quy mô lớn, tập trung để đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như bảo đảm chất lượng đồng đều. Song song đó, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến, từ chế biến đơn giản sang chế biến sâu, từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao. Đồng thời, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, môi trường một cách chặt chẽ đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

 THOẠI PHƯƠNG