Tìm giải pháp hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển

Thứ ba, ngày 13/04/2021

(BDO) Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực KTTT đạt hiệu quả, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Đoàn công tác khảo sát thực tế tại HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên)

 Tăng lẫn chất và lượng

Các HTX tiếp tục được củng cố và chú trọng chấn chỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước khắc phục những tồn tại. Qua đó, số lượng HTX tăng lên, tốc độ tăng trưởng hàng năm 7,6%. Năm 2012, toàn tỉnh có 111 HTX, vốn điều lệ gần 600 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, số HTX tăng lên 199, với 30.481 thành viên, vốn điều lệ trên 831 tỷ đồng. Tổng doanh thu ước đạt trên 1.400 tỷ đồng, có 158 HTX, quỹ tín dụng nhân dân đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với số tiền trên 14 tỷ đồng. Thu nhập bình quân từ 6 - 14 triệu đồng/lao động/ tháng. Đến nay, 100% HTX đã chuyển đổi hình thức tổ chức và hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012. Qua đánh giá, phân loại cơ bản các HTX hoạt động khá và ổn định.

Các HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực vận tải, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, môi trường, quỹ tín dụng nhân dân… Điểm đáng mừng là các HTX ở lĩnh vực nông nghiệp đang có sự chuyển dịch mạnh theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, bảo đảm sản phẩm sạch, hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trong đó có sự liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX có các sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 4 sao… Bên cạnh đó toàn tỉnh hiện có 127 tổ hợp tác, với 1.242 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số HTX đã ngưng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả vẫn chưa làm các thủ tục giải thể. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu, sự liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX còn yếu. Quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, hiệu quả thấp, không có tích lũy để tái sản xuất...

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động

Đoàn công tác Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển (gọi tắt là BCĐ) KTTT Trung ương do ông Phùng Quốc Chí, Chánh Văn phòng dẫn đầu vừa có buổi làm việc tại Bình Dương, nhằm nắm bắt tình hình phát triển HTX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đoàn công tác đi khảo sát thực tế tại HTX Nông nghiệp Nhân Đức (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) và HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên).

Với nỗ lực không ngừng, tích cực tìm kiếm thị trường, mạnh dạn áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cùng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ gắn kết được với doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, cho biết HTX được thành lập năm 2015, đã liên kết các hộ nông dân trồng bưởi, cam, dưa lưới cùng cam kết ứng dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác để gia tăng giá trị sản phẩm. Với tổng diện tích trên 60 ha trồng bưởi, cam, tổng sản lượng trên 500 tấn/năm. Đời sống của thành viên được nâng lên rõ rệt nhờ giá bán sản phẩm chứng nhận ViệtGAP ổn định. Việc áp dụng các giải pháp thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng sản phẩm được nâng cao, môi trường được cải thiện, mối quan hệ cộng đồng được gắn bó hơn. Tổng doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt 20 tỷ đồng, giải quyết lao động tại nông thôn từ 20 người trở lên, với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Sau buổi khảo sát thực tế, đoàn công tác đã đánh giá cao về sự phát triển HTX, tạo được việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Các thành viên trong đoàn cũng đặt ra nhiều ý kiến liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các HTX như vốn hoạt động, cách tiếp cận, chính sách hỗ trợ của tỉnh, những lợi ích của các thành viên khi tham gia, việc cung ứng dịch vụ bao tiêu sản phẩm của các HTX đối với thành viên... Những ý kiến của đoàn công tác được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành giải trình tại buổi làm việc. Đồng thời có những ý kiến đóng góp, kiến nghị đến đoàn công tác nhằm tạo điều kiện cho kinh tế HTX của Bình Dương ngày càng phát triển hơn.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ KTTT tỉnh, cho biết để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các HTX, phát triển mô hình chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế, hỗ trợ HTX chủ động tham gia các sàn thương mại điện tử. Các cấp, các ngành cần tạo điều kiện trong việc cấp đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX; xây dựng gói tín dụng riêng cho các HTX theo hướng phân loại, ưu tiên nguồn vốn cho những HTX làm ăn hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Luật HTX năm 2012 và các chính sách khuyến khích hỗ trợ KTTT; triển khai kế hoạch đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030… Qua đó đẩy mạnh hơn nữa phong trào KTTT mà nòng cốt là HTX để HTX thực sự là cầu nối giúp kinh tế hộ ngày càng khởi sắc, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội địa phương ổn định và phát triển bền vững.

 Ông Phùng Quốc Chí, Chánh Văn phòng BCĐ KTTT Trung ương, Cục trưởng Cục Phát triển HTX - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bình Dương có chiến lược đúng đắn trong phát triển HTX, hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012, điều đó thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh. Tỉnh cần tiếp tục kiện toàn BCĐ KTTT đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến các địa phương, xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, xây dựng các mô hình HTX điểm và nhân rộng trong thời gian tới. Đồng thời triển khai các văn bản của bộ, ngành Trung ương để có giải pháp hỗ trợ kịp thời các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, đúng với những quy định của Luật HTX, mang lại quyền lợi cho người dân khi tham gia liên kết để sản xuất.

 THOẠI PHƯƠNG