Tìm giải pháp giảm căng thẳng địa kinh tế, giảm khoảng cách giàu nghèo

Thứ hai, ngày 25/11/2019

(BDO) Căng thẳng thương mại và những yếu tố làm gia tăng căng thẳng này, đặc biệt là những tranh chấp thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là một vấn đề rất khó khăn, chưa có cách giải quyết hiệu quả. Ông Richard Hames, Nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Center for the Future, Úc đã nhấn mạnh như thế tại phiên đối thoại với chủ đề “Căng thẳng địa kinh tế”, trong khuôn khổ Horasis 2019 diễn ra ngày 25-11.

Cũng tại phiên đối thoại, nhiều đại biểu là những nhà khoa học, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Canada đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình với những nội dung nổi bật, như: Căng thẳng địa chính trị sẽ tác động đến việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các cuộc căng thẳng về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ còn leo thang ở mức cao hơn, căng thẳng hơn. Những bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông;  Chiến lược xây dựng “Một vành đai – Một con đường”; Sự căng thẳng ở Hồng Kông... Tất cả những điều đó đang gây ra nhiều quan ngại cho việc phát triển kinh tế tại châu Á và toàn cầu. 

Thêm vào đó là chủ nghĩa mậu dịch gia tăng trên toàn cầu và sẽ đặt ra nhiều thách thức. Những thỏa thuận thương mại mới trong thời kỳ căng thẳng địa kinh tế khó có thể giúp nền kinh tế của các nước thuộc khối ASEAN giữ vững sự phát triển thịnh vượng.

Nhiều đại biểu cho rằng các bên cần tìm ra nhiều giải pháp nhằm làm dịu tình hình căng thẳng. Từ đó mới thúc đẩy việc phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm khoảng cách giàu nghèo. 

Tiểu My- Đình Hậu