Tìm giải pháp đảm bảo tái sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới

Thứ năm, ngày 23/09/2021

(BDO) Sáng 23-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn “Các giải pháp đảm bảo tái sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn đảm bảo các quy định phòng chống Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương” bằng hình thức trực tuyến. 


Các đại biểu tham gia diễn đàn trực tuyến

Trong bối cảnh nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống ở TP.HCM và Bình Dương phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng khá nhiều. Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn dẫn đến một số nơi xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, tồn hàng cục bộ. Giá thịt gia cầm và heo hơi vẫn ở mức thấp, các công ty, cơ sở chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, một phần nguyên nhân do thị trường tiêu thụ chậm, sức mua giảm. Giá cả một số mặt hàng nông sản như rau các loại, trái cây có múi bị tồn ứ và giá bán giảm từ 30%-40%. 

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tiêu thụ, như: phối hợp với Sở Công thương tổ chức kết nối tiêu thụ ở các điểm bưu cục, xe bán hàng lưu động, giới thiệu đến các đơn vị thu mua; kết nối với Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I kết nối tiêu thụ sản phẩm về thị trường TP.Hồ Chí Minh (thành viên tổ kết nối cung cầu nông sản phía Nam); triển khai kênh bán lẻ online trên facebook/zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối đặt hàng. Qua đó, đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại khoảng 4-5 tấn chuối, 30 tấn bưởi, 140 tấn dưa lưới, 30 tấn nấm ăn... Dự kiến tình hình sản xuất, tiêu thụ sẽ bình thường trở lại sau khi các chợ truyền thống, chợ đầu mối mở cửa trở lại.

Tại diễn đàn trực tuyến, các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; các đơn vị tiêu thụ thu mua sản phẩm nông sản đã trình bày các khó khăn, đề xuất, kiến nghị. Thông qua diễn đàn sẽ tạo cho các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp cùng lắng nghe các khó khăn của người sản xuất, định hướng phát triển trong tình hình mới để tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho việc tái sản xuất ổn định, hiệu quả, bền vững của các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo nguồn cung ứng nông sản thực phẩm vừa đảm bảo các quy định phòng chống dịch Covid -19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Thoại Phương