Tìm cơ hội tăng trưởng và phát triển ngành gỗ Việt
(BDO) Chiều 28-7, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức Diễn đàn công nghiệp gỗ & nội thất Việt Nam “Giữ vị thế - Đón cơ hội”, đồng thời ra mắt Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ, nội thất HawaExpo 2024. Tham dự diễn đàn có ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương; ông Trần Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cùng đại diện các hiệp hội, các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế hàng đầu và hơn 200 doanh nghiệp ngành nội thất Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại phát biểu khai mạc diễn đàn
Phát biểu khai mạc, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết trong tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm đối mặt với nhiều thách thức, việc ngành chế biến gỗ nhìn lại các giá trị nội hàm và tìm hướng phát triển mới cho ngành là việc làm mang tính cấp thiết. Ngành gỗ Việt Nam vẫn là ngành đầy nội lực, có dư địa tăng trưởng và phát triển trong dài hạn và có cơ hội để đầu tư bền vững. Bên cạnh đó, trước nhu cầu nội thất ở thị trường quốc tế đang dần tăng trưởng trở lại, doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cần thích nghi, vượt khó và sẵn sàng để đón những cơ hội mới.
Chuyên gia Trần Sĩ Chương, nguyên cố vấn cấp cao Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ chia sẻ tại diễn đàn
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế trao đổi, thảo luận về các vấn đề mà ngành gỗ đang gặp phải; đồng thời dự báo về xu hướng để doanh nghiệp có thể nhận thức đúng và ra quyết định hiệu quả, như: Động lực tăng trưởng, vị thế ngành gỗ Việt Nam và cơ hội canh tranh từ chuyển đổi xanh; tín hiệu thị trường đối với ngành gỗ xuất khẩu; định vị ngành gỗ Việt và chiến lược liên kết xuất khẩu. Các đại biểu tham gia tọa đàm "Giữ vị thế - Đón cơ hôi" cũng trao đổi, thảo luận về những cơ hội của ngành gỗ hậu lạm phát; các chiến lược phát triển bền vững; doanh nghiệp Việt sẵn sàng đón nhận đầu tư; tinh thần tự cường của doanh nhân ngành gỗ…
Chuyên gia Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty GIBC phát biểu tại diễn đàn
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến tại diễn đàn
Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tọa đàm
Tỉnh Bình Dương được xem là “thủ phủ” ngành gỗ khi chiếm gần chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Bình Dương hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó có hơn 900 doanh nghiệp trong nước và hơn 300 doanh nghiệp nước ngoài. Ngành chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh.
Tin, ảnh: Ngọc Thanh