Tìm cách “giữ chân” nhà đầu tư trước áp lực thuế tối thiểu toàn cầu
(BDO) Bắt đầu từ ngày 1-1-2024, Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) như trước đây không còn tác dụng. Để giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm các tập đoàn lớn đến với tỉnh, Bình Dương là địa phương đầu tiên phối hợp với Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khảo sát DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn để phát triển chiến lược thu hút FDI, bảo đảm khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong giai đoạn tới.
Chủ động tìm kiếm giải pháp
Sáng 7-12, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư - Chiến lược thu hút FDI Bình Dương bối cảnh Việt Nam thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức hội nghị thúc đẩy nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp thu hút đầu tư bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ thực thi từ ngày 1-1-2024. Đây là hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực nhằm nâng cao hình ảnh năng lực cạnh tranh của Bình Dương trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia và thích ứng với tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Bình Dương đang là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư FDI với hơn 4.000 dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 40,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Nhằm tiếp tục duy trì và phát triển lợi thế thu hút đầu tư cũng như giành quyền chủ động trong thu thuế, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của quốc gia, Bình Dương rất quan tâm đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng.
Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức OECD khởi xướng. Hiện có 142/142 quốc gia thành viên OECD, trong đó có Việt Nam đã đồng thuận. Theo nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024 như mọi thành viên đã đồng thuận khác của OECD. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các DN đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất 750 triệu euro (khoảng 800 triệu đô la Mỹ) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương tại thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam
Bình Dương hiện có hơn 4.000 DN FDI, tuy nhiên chỉ có khoảng 44 DN FDI có khả năng chịu sự tác động của nghị quyết này và trường hợp áp dụng nghị quyết này, ngân sách Nhà nước tăng thêm khoảng 2.000 tỷ mỗi năm. Các DN có doanh thu dưới 750 triệu euro sẽ không chịu sự tác động của nghị quyết và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư với mức thuế suất ưu đãi đang được hưởng. Do đó, việc ban hành quy định áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu sẽ không có nhiều tác động tiêu cực đến thu hút FDI tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.
Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Bình Dương vẫn tiếp tục giữ thứ hạng cao so với cả nước trong thu hút FDI, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất siêu của quốc gia. Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của Bình Dương, nhưng việc tập trung khắc phục các vấn đề cốt lõi và xem xét đưa ra các giải pháp đồng hành cùng DN luôn là vấn đề cấp bách và cần thiết đối với tỉnh. Trong bối cảnh đó, Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị, nhằm thảo luận và lắng nghe thêm ý kiến của cộng đồng DN về chủ đề này.
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Trọng Nhân cho biết nhìn chung, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với thu hút FDI thời điểm hiện tại và trong tương lai gần. Tuy nhiên, hiểm họa của xung đột địa chính trị từ Nga - Ukraine và bây giờ là Israel - Hamas, hay sự trì trệ của các quốc gia phát triển trong cam kết thực hiện cắt giảm lượng khí thải nhà kính tại COP28 vừa qua đã cho thấy thế giới nói chung và cộng đồng DN nói riêng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề bởi lực kéo và sự chi phối, định hình cuộc chơi của các cường quốc cũng như các tập đoàn đa quốc gia mà tiềm lực có thể chi phối phần còn lại của thế giới. Đây chính là những thách thức sống còn của các DN thay vì thuế tối thiểu toàn cầu.
Để tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương đang nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu cụm công nghiệp, thiết kế lại không gian phát triển, thu hút FDI chất lượng cao. Bên cạnh đó đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ mới, tạo dư địa mới cho tăng trưởng trong thời kỳ trung và dài hạn.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 - Chiến lược phát triển FDI Bình Dương trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu nhằm tiếp tục lắng nghe phản hồi của cộng đồng DN và ghi nhận các kiến nghị để bảo đảm không chỉ tiếp tục thu hút, giữ chân nhà đầu tư nước ngoài. Bình Dương mong muốn luôn đồng hành với cộng đồng người dân, DN ngay từ khâu hoạch định chính sách, cho đến triển khai, đưa chính sách, luật vào cuộc sống.
NGỌC THANH