Tiểu cảnh tự nhiên hình bản đồ Việt Nam được xác lập kỷ lục Việt Nam
(BDO) Đây là công trình mới nhất của nghệ nhân Nguyễn Văn Năm (TX.Thuận An), người đạt huy chương nhiều nhất trong lĩnh vực sinh vật cảnh (SVC).
Ông Nguyễn Văn Năm là người nổi tiếng trong giới nghệ nhân SVC của Bình Dương. Ông cũng là người thường đem các tác phẩm SVC đi thi, triển lãm nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Tháng 1-2010, ông được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Người đạt huy chương nhiều nhất trong lĩnh vực sinh vật cảnh”. Sau đó 3 năm, năm 2013, ông xuất gia tu học tại Thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai), pháp danh là Thái Minh Tân. Tại đây, ông tiếp tục thực hiện đam mê về SVC của mình. Với suy nghĩ phải làm một công trình SVC tự nhiên thật có ý nghĩa và với tấm lòng yêu quê hương đất nước, ông quyết định làm công trình bản đồViệt Nam. Sau khi được Hòa thượng Thích Nhật Quang, chủ thiền viện đồng ý, ông Năm bắt tay thực hiện.
Tiểu cảnh tự nhiên hình bản đồViệt Nam được thực hiện và chăm sóc tại khuôn viên Thiền viện Thường Chiếu có chiều dài 57m với hơn 70 tấn đá và 500 cây hoa lá các loại. Có thể kể đến như: Bồđề, sanh, si, vạn phúc, trang các loại, điệp... Tiểu cảnh này được phân chia thành 3 miền Bắc, Trung, Nam (từ Móng Cái đến mũi Cà Mau) và các đảo, quần đảo của Việt Nam. Ông cũng thể hiện các hình tượng văn hóa, công trình kiến trúc độc đáo của mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S thân yêu của Tổ quốc. Miền Bắc có chùa Một Cột; Huế có chùa Thiên Mụ; miền Nam có Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành...
Mới đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Năm vui mừng, cho biết tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập công trình này là “Tiểu cảnh tự nhiên hình bản đồViệt Nam lớn nhất” (kỷ lục được ký xác nhận vào ngày 23-12-2018). Ông cũng cho biết thêm, mục đích của ông khi làm công trình này là để thỏa niềm đam mê SVC, được lao động để rèn luyện sức khỏe. Và một điều nữa là ông muốn thể hiện tấm lòng của mình với Thiền viện Thường Chiếu, nơi mà ông chọn để xuất gia, tu tập từ năm 2013 đến nay.
QUỲNH NHƯ