Tiết kiệm điện trong các cơ quan Nhà nước và nhân dân: Đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình kết hợp

Thứ ba, ngày 08/05/2012

Để đạt mục tiêu tiết kiệm 10% điện năng so với tổng mức tiêu thụ của giai đoạn 2011-2015, Sở Công Thương đã kết hợp với Công ty Điện lực Bình Dương triển khai thực hiện nhiều chương trình kết hợp, như: Ký kết hợp tác về tuyên truyền tiết kiệm điện (TKĐ), sử dụng điện hiệu quả, an toàn; giám sát việc cung ứng và sử dụng điện với 5 tổ chức đoàn thể trong tỉnh là Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân; kiểm tra việc sử dụng điện và tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn... Tuy nhiên, kết quả sản lượng điện tiết kiệm được trong năm 2011 còn khá khiêm tốn!

Cơ quan Nhà nước chưa giảm!

Nhờ thực hiện nhiều chương trình kết hợp, kết quả sản lượng điện tiết kiệm năm 2011 đạt 79.512.789 kWh, bằng 128,6% so với kế hoạch. Tính đến nay, chỉ có 93/1.655 đơn vị đăng ký phương án sử dụng điện, trong đó có 91 đơn vị trực thuộc địa phương và 2 đơn vị thuộc Trung ương, cho thấy số đơn vị đăng ký TKĐ còn quá ít!

 Để TKĐ, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó ban chỉ đạo chương trình TKĐ của tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã làm khá nhiều việc, tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện TKĐ trong sử dụng điện trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh thành lập lại Ban chỉ đạo thực hiện TKĐ; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách khách hàng quan trọng và phương án cung cấp điện các tháng mùa khô. Song song đó, chúng tôi còn triển khai việc hướng dẫn thực hiện TKĐ trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; lập danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; triển khai thực hiện TKĐ trong chiếu sáng công cộng... nhưng kết quả sản lượng điện tiết kiệm được vẫn chưa cao”.

Qua kiểm tra tình hình thực hiện TKĐ và an toàn điện đối với 17 cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cho thấy đa số các đơn vị chưa đăng ký phương án sử dụng điện về cơ quan chủ quản cấp trên, Sở Công Thương và Công ty Điện lực Bình Dương. Một số các đơn vị chưa thực hiện tiết giảm 10% chi phí điện năng theo Thông tư Liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 1-6-2009 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện TKĐ trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Nhìn chung, việc thực hiện TKĐ tại các đơn vị đối với việc chiếu sáng, thiết bị văn phòng, máy điều hòa nhiệt độ tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp chưa có sự phối hợp giữa chiếu sáng khu vực sân, hàng rào với chiếu sáng công cộng, dẫn đến việc bố trí đèn chiếu sáng ở các khu vực này không hợp lý, việc tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên có nơi còn chưa thực hiện tốt. Việc thay thế các thiết bị TKĐ còn rất hạn chế.

Theo giải trình của các đơn vị được kiểm tra, như: UBND xã Thới Hòa, UBND thị trấn Mỹ Phước (huyện Bến Cát), UBND phường Bình Thắng (TX.Dĩ An), UBND xã Đất Cuốc (huyện Tân Uyên)... nguyên nhân sản lượng điện năm 2011 tăng so với năm 2010 là do các đơn vị tăng thêm số lượng nhân viên, tăng thêm các thiết bị sử dụng điện ở các trụ sở mới. Một số cơ quan, đơn vị có quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng nên sản lượng điện sử dụng tăng. Các cơ quan, đơn vị này cho biết sẽ ban hành các quy chế, quy định TKĐ nhằm thực hiện tiết giảm 10% chi phí điện năng theo đúng quy định.

Người dân còn ngán ngại!

Để tiết kiệm được 10% sản lượng điện tiêu thụ trong năm 2012, ngoài việc xây dựng và triển khai chương trình TKĐ đối với tất cả các đối tượng là doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp... cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Đây là công việc khó khăn, bởi tâm lý người dân ngán ngại phải phá vỡ kiến trúc xây dựng hay thay thế các thiết bị TKĐ. Chị Hồng Loan, ngụ phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, cho biết: “Gia đình tôi xây dựng biệt thự đã 7 năm nay. Các thiết bị điện chiếu sáng, trang trí trong nhà đều được thiết kế từ khi xây dựng. Hàng tháng gia đình tôi phải trả tới 3 - 4 triệu đồng tiền điện. Để TKĐ gia đình tôi phải phá hủy thiết kế ban đầu của ngôi nhà và tốn thêm một khoản tiền khá lớn cho việc thay thế các bóng đèn, thiết bị nên tôi rất ngại!”. Chị Thu Hương ở xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Để TKĐ gia đình tôi buộc phải thay thế các loại bóng đèn đang xài, thấy phí quá nên chúng tôi vẫn chưa thực hiện”.

Chính vì sự ngán ngại của người dân mà chương trình TKĐ chưa được hưởng ứng mạnh mẽ. Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để thay đổi cách nhìn, ý thức TKĐ. Nếu làm được điều đó thì sản lượng điện tiết kiệm được hàng năm là rất lớn. Để thực hiện chương trình này, Công ty Điện lực Bình Dương đã và đang thực hiện nhiều chương trình, tuy nhiên do nguồn kinh phí có hạn nên chương trình chưa được mở rộng với nhiều đối tượng. Ông Châu Quốc Bảo, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết: “Nhằm khuyến khích người dân loại bỏ các bóng đèn dây tóc hao điện để giảm chi phí trong gia đình, năm 2011 Công ty Điện lực Bình Dương đã đổi cho dân nghèo trong toàn tỉnh gần 20.000 bóng đèn compact TKĐ. Năm 2012, công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng người nghèo trong hành trình này. Hiện chúng tôi còn chuẩn bị thực hiện chương trình bình nước nóng năng lượng cho người nghèo nhằm giảm điện năng tiêu thụ”.

Đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình kết hợp là giải pháp, hướng đi đúng nhằm TKĐ, đặc biệt là trong tình hình được dự báo sẽ thiếu điện trầm trọng trong mùa khô năm nay. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình nói trên cần được giám sát, nhắc nhở thường xuyên thì hiệu quả mang lại mới cao.

BẢO ANH

 Chương trình đổi 1 triệu bóng đèn dây tóc bằng đèn compact cho người nghèo có ý nghĩa thiết thực, vừa góp phần TKĐ, vừa giảm ngân sách chi tiêu gia đình. Tuy nhiên, chỉ mới có một bộ phận dân nghèo được thụ hưởng chương trình này. Trên thực tế, đại đa số các hộ gia đình vẫn còn xa lạ với cụm từ TKĐ. Để các hộ gia đình trong tỉnh mạnh dạn thay thế các thiết bị cũ bằng các sản phẩm mới TKĐ, thiết nghĩ chính quyền địa phương các cấp ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giải thích để người dân hiểu được những lợi ích của TKĐ, cần có chính sách hỗ trợ cho nhiều đối tượng khác nhau khi họ tham gia thực hiện chương trình.