Tiết kiệm chi tiêu khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Thứ bảy, ngày 23/10/2021

(BDO)

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 22/10, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; công tác quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung này.

Đảm bảo chi đúng mục tiêu, mục đích

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam có 8/9 loại hình bảo hiểm, trừ bảo hiểm gia đình. Thời gian qua, chúng ta có rất nhiều cố gắng trong việc xây dựng thể chế, chủ trương chính sách, quản lý nhà nước, công tác điều hành.

“Những năm trước, khi nhắc đến bảo hiểm xã hội, dư luận lo lắng vấn đề an toàn quỹ, nhiều người nói 'vỡ quỹ.' Tuy nhiên, điều đáng mừng đến giờ này, kết dư tương đối tốt. Các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm hưu trí, tử tuất, thai sản… đảm bảo chi đúng mục tiêu, mục đích, cơ bản triển khai tốt,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong các chính sách trụ cột về an sinh xã hội, hai trụ cột căn bản: Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế - là “lưới an sinh” quan trọng trong đảm bảo quyền công dân được thụ hưởng theo Hiến pháp quy định.

Khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, số người tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt 28,9%, đến nay đã tăng lên 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có sự phát triển vượt bậc, tháng 5/2018 chỉ ở mức 250 nghìn người, tăng lên gần 1,3 triệu người sau 2 năm.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, bảo hiểm xã hội là vấn đề quan trọng liên quan đến quyền công dân, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe.

Theo báo cáo của Ủy ban Xã hội, việc chấp hành quyết định xử phạt hành chính của giai đoạn 2016-2020 rất thấp, mới chỉ thu hồi được 25,2% tổng số tiền phải thu hồi.

Trong đó, báo cáo của Chính phủ chưa nêu về mặt xử lý hình sự với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội hoặc khởi kiện theo pháp luật đối với doanh nghiệp chậm, không đóng bảo hiểm, gây ảnh hưởng tới người lao động.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần làm rõ việc nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lãi tính đến cuối năm 2020; cần chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) có bổ sung tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Luật quy định hình phạt rất nghiêm khắc đối với những cá nhân có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà gian dối hoặc không đóng, đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm, có thể bị phạt đến 1 năm tù, thậm chí, nếu có tình tiết tăng nặng còn có thể phạt ở khung cao hơn, phạt tù đến 7 năm và phạt 1 tỷ đồng.

Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần thống kê từ khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực, có bao nhiêu doanh nghiệp bị xử lý hình sự”; đồng thời cần xử lý hình sự để tăng mức độ răn đe, khắc phục tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bởi hiện nay, việc thực hiện quyết định xử phạt hành chính không cao, số tiền thu hồi thấp.

Cho ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất, thông với ngân sách nhà nước. Xét trong những điều kiện rất quan trọng, Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải đưa ra báo cáo trước Quốc hội, bàn những vấn đề có liên quan đến quốc kế dân sinh, đến nhân dân, đến người lao động.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật Việc làm nhằm quản lý tốt hơn những người được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Hiện nay, Luật đang quy định 20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng chế độ hưu trí; điều kiện để được rút một lần rất dễ dàng; do đó, cần thay đổi để người lao động tham gia, ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội được nhiều hơn, “tránh phát triển mới được 10 phần nhưng số rút ra lại chiếm đến 7-8 phần.”

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, số kết dư của các bảo hiểm ngắn hạn khá lớn. Vừa qua, số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 2020 là trên 90.000 tỷ đồng.

Do vậy, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn dành 1/3 số đó chi hỗ trợ cho người lao động trong dịp này với 6 mức, trong đó, mức thấp nhất là 1,8 triệu đồng, mức cao nhất là 3,3 triệu đồng, được chi cho khoảng 13 triệu lao động; giảm đóng cho doanh nghiệp 8.000 tỷ đồng. Đây là những hỗ trợ rất thiết thực và trực tiếp cho các doanh nghiệp.

Theo quy định, các quỹ ngắn hạn đều phải có kết dư, bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi kết dư nhiều, cần rà soát lại mức đóng và phạm vi chi trả của các quỹ này cho phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước và người dân. Bên cạnh đó, năm 2021 chịu tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19 nên cần rà soát, đánh giá tác động và khả năng thu chi của các quỹ ngắn hạn trong giai đoạn 2021-2022.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng

Về bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thúc đẩy mô hình bác sỹ gia đình; khái niệm xây dựng và quy định gói bảo hiểm y tế cơ bản. “Đây là 2haiviệc còn tồn đọng nên cần được xem xét, giải quyết,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp lần này hoặc nghị quyết về kinh tế-xã hội, giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như: đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân và ngân sách nhà nước; điều chỉnh cụ thể, rõ hơn để tăng mệnh giá bảo hiểm y tế.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, dù mức đóng bảo hiểm y tế của nước ta thấp hơn, nhưng danh mục được hưởng lại nhiều hơn so với một số nước trên thế giới. Nếu tăng mức đóng, phần Nhà nước mua cho đối tượng người nghèo, người có công sẽ tăng. Tăng mệnh giá bảo hiểm y tế mới có điều kiện để thực hiện sớm lộ trình giá dịch vụ y tế. Điều này góp phần giúp các cơ sở y tế nâng cao tính tự chủ.

“Đây là vấn đề về xã hội rất quan trọng. Dù ngân sách có khó khăn đến mấy nhưng chúng ta cũng phải tiết kiệm chi tiêu khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Chất lượng khám chữa bệnh không đơn thuần phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm y tế, còn phụ thuộc vào thái độ phục vụ, cơ sở vật chất, y đức… Tuy nhiên, nếu có mức chi trả cao hơn, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có điều kiện hơn để trang bị hệ thống thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tốt hơn,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trải qua đợt dịch bệnh lần này càng nhận thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở và y tế dự phòng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước, cần dùng ít nhất 30% kinh phí của ngân sách nhà nước cấp cho ngành Y tế cho y tế dự phòng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, bảo hiểm y tế giúp người dân, người nghèo, người khó khăn tiếp cận, đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh. Điều này được thể hiện rõ trong thời gian qua, khi hầu hết các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam “khởi động” bảo hiểm y tế muộn hơn so với các nước nhưng chúng ta tăng nhanh độ bao phủ. Đến năm 2020, độ bảo phủ bảo hiểm y tế của nước ta đạt 90,85%, tăng rất nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, để đảm bảo tính bền vững của chính sách, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là vô cùng quan trọng. Theo nguyên tắc đóng-hưởng-chia sẻ rủi ro, phải có nhiều người đóng, bao phủ hầu hết dân số để chia sẻ rủi ro nhiều hơn cho những người khó khăn. Tới đây, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ sửa theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm y tế.

“Ngành Y tế tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng của người dân đối với bảo hiểm y tế, mặc dù mức đóng-hưởng có thể thấp hơn, nhưng lấy số đông, nhiều người để mở rộng phạm vi, quyền lợi bảo hiểm y tế. Đây là chính sách ưu việt nhằm cố gắng giảm chi tiền túi của người bệnh,” Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ; đồng thời bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ chính sách này.

Bộ trưởng cho biết, cùng với việc mở rộng phạm vi kết nối 1.000 điểm khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Y tế đã kết nối với toàn bộ các điểm cầu trên toàn quốc có bệnh nhân nặng để điều trị. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả cơ sở y tế tuyến trên phải kết nối với tuyến huyện, nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

“Trong đại dịch vừa qua, y tế cơ sở thực sự là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Vì vậy, việc củng cố, tăng cường y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế với người dân ngay tại nơi sinh sống là một trong những điều mà ngành Y tế luôn hướng tới,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ./.

Theo TTXVN