Tiết kiệm 6.000 tỷ đồng nếu cắt giảm thủ tục hành chính
“Thủ tục rườm rà đã nảy sinh tiêu cực, tham nhũng do người dân không biết phải thực hiện thế nào. Chúng tôi đã rà soát xong 256 thủ tục ưu tiên cắt giảm trình Chính phủ”, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trò chuyện đầu xuân.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc.
- Nhiều ý kiến cho rằng thủ tục hành chính rườm rà đang là nguyên nhân của tệ tham nhũng, làm suy giảm lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền. Là tổ trưởng tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, ông suy nghĩ gì?
- Bộ thủ tục hành chính hiện nay đã tồn tại nhiều thời kỳ còn rườm rà, phức tạp, nhiều cấp, nhiều ngành ban hành thủ tục tạo nên sự khó hiểu. Một chủ tịch tỉnh, lãnh đạo bộ, giám đốc sở cũng không biết cơ quan mình có bao nhiêu thủ tục hành chính.
Là tổ trưởng tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tôi đã trao đổi với nhiều đối tượng và đa số nói rằng điều khiến họ khó chịu nhất hiện nay là thủ tục hành chính. Thủ tục rườm rà đã nảy sinh tiêu cực, tham nhũng do người dân không biết phải thực hiện thế nào.
Chính vì vậy Thủ tướng đã ban hành quyết định 30 về đề án cải cách thủ tục hành chính, thực hiện trong giai đoạn 2007-2010. Đề án 30 có 3 giai đoạn: thống kê, rà soát và hoàn chỉnh thủ tục hành chính với mục tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính.
- Đến thời điểm này, doanh nghiệp và người dân đã được hưởng lợi gì từ đề án 30?
- Giai đoạn 1 của đề án 30 đã thành công thông qua việc công bố bộ dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, cuối năm 2009. Chúng ta đã thống kê được trên 5.700 thủ tục hành chính và 100.000 biểu mẫu, tờ khai. Từ khi thành lập nước đến nay lần đầu tiên Việt Nam có bộ thủ tục hành chính hoàn chỉnh được đưa công khai trên mạng.
Thông qua Internet, doanh nghiệp, người dân có thể xác định quy trình thủ tục hành chính, ví dụ đăng ký quyền sử dụng đất thì phải làm ở đâu, thông qua cấp nào, biểu mẫu tờ khai ra sao... Kết thúc năm 2010, thủ tục và văn bản có trên cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ có giá trị như bản gốc. Người dân có thể in mẫu đơn, mẫu tờ khai từ cơ sở dữ liệu này, không nhất thiết phải đến cơ quan hành chính.
- Qua thống kê, những thủ tục hành chính nào đang gây phiền hà nhiều nhất cho người dân?
- Chúng tôi thấy một số thủ tục đang gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp ví dụ thủ tục đầu tư xây dựng nhà, nộp thuế, hải quan, khám chữa bệnh, đăng ký hộ khẩu... Chúng tôi đã chọn 256 thủ tục của 18 bộ ngành và 6 địa phương cần được ưu tiên rà soát liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm.
Đến nay 256 thủ tục ưu tiên đã rà soát xong, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét, quyết định hủy bỏ, sửa đổi hoặc hoàn thiện. Đây sẽ là kinh nghiệm rà soát hơn 5.000 thủ tục còn lại.
- Nhiều ý kiến lo ngại thành viên tổ chuyên trách cải cách thủ tục hành chính là cán bộ của các bộ ngành nên góc nhìn có thể theo hướng có lợi cho cơ quan công quyền. Ông nghĩ sao về lo ngại trên?
- Thủ tục hành chính là công cụ của nhà nước đồng thời cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân. Chúng ta ban hành thủ tục không phải là nhằm có lợi cho người quản lý mà nhằm có lợi cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động.
Ngoài các tổ chuyên trách gồm chuyên gia ở các bộ, ngành, chúng tôi cũng mời đại diện các hiệp hội tham gia góp ý bởi trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, người dân.
Trong giai đoạn 2 của đề án, được sự đồng ý của Chính phủ, chúng tôi đã mời 50 luật sư giỏi tham gia vào quá trình hoàn thiện thủ tục hành chính. Luật sư là người am hiểu pháp luật, khách quan hơn trong việc nhìn nhận thủ tục hành chính. Luật sư có quyền phát biểu những thủ tục chưa hợp lý, gây phiền hà cần hủy bỏ.
Chúng tôi cũng mời chuyên gia nước ngoài như châu Âu, Hàn Quốc... để xem xét, so sánh thủ tục hành chính của Việt Nam với các nước.
- Ngoài đề xuất của tổ chuyên trách, thời gian qua đã có bộ, ngành nào tự cắt giảm thủ tục hành chính mà họ tự nhận thấy là phiền hà?
- Thủ tướng đã quy định rất cụ thể những giai đoạn của đề án 30 và có chế tài như: bộ, ngành, địa phương, cán bộ nào không thực hiện tốt đề án 30, đặc biệt là giai đoạn giải quyết quy trình thủ tục hành chính thì cán bộ đó không được xem xét khen thưởng, nâng lương, đề bạt.
Thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã tự dỡ bỏ thủ tục phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân. Ví dụ Bộ Tài chính cho biết thời gian nộp thuế của các doanh nghiệp đã giảm từ 1.000 giờ xuống còn 600 giờ. Ngành hải quan cũng công bố chương trình hải quan điện tử...
Theo kế hoạch đến 31/3/2010, các bộ, ngành, địa phương sẽ gửi kết quả rà soát về tổ công tác chuyên trách. Chúng tôi sẽ kiên quyết báo cáo Thủ tướng phê bình những nơi không hoàn thành chỉ tiêu rà soát, rà soát hình thức, chậm tiến độ...
- Ông có thể lượng hoá số tiền tiết kiệm nếu chúng ta cắt giảm khoảng 30% thủ tục hành chính như mục tiêu của đề án 30?
- Tổ công tác chuyên trách đã sử dụng công cụ tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để từ đấy tính ra được lợi ích mang lại của việc cắt giảm những thủ tục không cần thiết, không hợp lý. Với 256 thủ tục ưu tiên mà tôi đã nói ở trên, nếu Chính phủ đồng ý dỡ bỏ, chỉnh sửa chúng ta đã tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng... Nếu chúng ta rà soát, hoàn thiện toàn bộ hơn 5.000 thủ tục hành chính thì số tiền còn lớn hơn rất nhiều.
Theo VNE