Tiếp tục vẽ những bức tranh đẹp ngay cả khi đã mù
(BDO) Trong căn phòng của mình, cụ Stamen Karamfilov áp sát gương mặt vào giá tranh, 1 tay đè lên tấm toan vẽ, tay còn lại hoàn thiện nốt cánh rừng trên đó.
Cụ Stamen Karamfilov từng mất hết hy vọng, thậm chí từng có ý nghĩ tự tử vì không thể vẽ trở lại khi đột ngột mất thị lực vào năm 2015.
Rồi khủng hoảng cũng dần trôi qua, cụ Stamen phát hiện ra rằng vẫn còn cách để có thể vẽ.
"Bí mật nằm ở kinh nghiệm và trực giác tuyệt vời của tôi”, cụ ông 76 tuổi cười rạng rỡ chia sẻ trong phòng vẽ của mình ở phía nam thành phố Plovdiv (Bulgari), nơi bên ngoài tràn ngập cây xanh và ánh sáng.
Cụ phát hiện ra mình vẫn có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các màu, giữa sáng và tối bằng mắt trái. Phần còn lại, cụ dựa hoàn toàn vào kỹ năng và trí nhớ đã có trong suốt thời gian trước đó, khi cụ là một nghệ sĩ và là người phục chế nhà thờ.
Nghệ sĩ Karamfilov chuẩn bị vẽ trong căn phòng ở thành phố Plovdiv
"Tôi chỉ có thể vẽ trên vải đen bởi vì tôi có thể nhận ra các màu “nóng” như cam, đỏ, xanh lá cây nhạt… Tôi thường vẽ khi trời còn sáng và đầy nắng”.
Khi mới tập vẽ lại trong tình trạng mù dở, cụ sẽ đứng cách khung tranh chỉ vài centimet và chia nhỏ hình ảnh trong đầu mình theo những ô vuông nhỏ.
“Và rồi tôi kết nối nó - từ ô vuông nhỏ này đến ô vuông nhỏ khác”. Sau khi vẽ xong, cụ sẽ phủ 1 lớp sáp trong suốt lên tranh - 1 kỹ thuật để tạo ra độ mịn màng nhưng vẫn cảm nhận được đường nét và hình khối của bức tranh.
“Tôi cảm thấy vui khi chạm các ngón tay và cảm nhận đó là cái cây hay mặt trời”.
Cụ sau đó sẽ dùng 1 ống thổi hơi nóng để làm chảy sáp và lắng nghe sự thay đổi của âm thanh khi hơi nóng chạm vào bề mặt vải.
Các tác phẩm của cụ đã được triển lãm ở Đức, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và một số thành phố ở Bulgari. Cụ hiện đang chuẩn bị cho triển lãm lần thứ 33 và hy vọng sẽ truyền lại được kỹ thuật vẽ mới mẻ này.
Theo Dân Trí