Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra

Thứ năm, ngày 06/06/2019

(BDO) Sáng 6/6, ngay sau khi kết thúc chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đăng đàn, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thay mặt Chính phủ, cập nhật tình hình tháng Năm và năm tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, xung đột thương mại tiếp diễn khó lường; ở trong nước, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống; nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế, xã hội tháng Năm tiếp tục xu hướng tích cực của bốn tháng đầu năm mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Phiên khai mạc kỳ họp.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong ba năm qua.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng 7,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 đạt 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; thu hút khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người, tăng 8,8%.

Khu vực FDI khởi sắc với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng 27,1%; vốn thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8%. Xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD, tăng 6,7%.

Có gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp, 29,6% về vốn đăng ký và gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%; đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng...

Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm như: đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng...

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế và trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 theo Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành việc giải ngân đầu tư công theo kế hoạch.

Tình hình thực hiện và giải ngân thời gian qua đã có chuyển biến; giải ngân năm tháng đạt gần 100.000 tỷ đồng, bằng khoảng 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%).

Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ bớt các khâu trung gian, loại bỏ cơ chế xin-cho, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chính phủ đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét và thông qua dự án Luật này. Sau khi dự án luật được thông qua, Chính phủ sẽ nghiêm túc tổ chức triển khai, đưa các quy định của luật sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, phát huy hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này đối với nền kinh tế.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết của Đảng.

Loại trừ tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Về phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết cùng với quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo; đồng thời tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...

Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các giải pháp khuyến khích, nhất là về thuế, thủ tục, chi phí tuân thủ để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân dưới mọi hình thức.

Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Thường xuyên đối thoại, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ, kỹ năng quản lý, đạo đức kinh doanh, tính chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Khắc phục bất cập trong thi cử

Về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.

Các Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2016 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và giảm chi phí của xã hội.

Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm, đồng thời yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống

Về vấn đề đạo đức xã hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh triển khai Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách, giải pháp; chú trọng thông tin tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp, văn minh trong gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội; tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ giữa “gia đình, nhà trường và xã hội.” Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xử lý, sớm khắc phục tình trạng bức xúc nêu trên; quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng về đạo đức, lối sống con người Việt Nam; khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt, có chế tài xử lý đủ sức răn đe; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm.

Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Chính phủ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, tích cực đóng góp ý kiến và tham gia xây dựng xã hội an ninh, an toàn, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân nhân ta.

Xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng

Về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); ban hành Chỉ thị của Thủ tướng để xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng (như các vụ AVG; “Vũ nhôm;” “Út trọc;” Thép Thái Nguyên...).

Tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm...)

Theo TTXVN